Chiều 19/12, Sở Thông tin truyền thông tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai luật báo chí năm 2016. Dự hội nghị có lãnh đạo Ban tuyên giáo tỉnh ủy, sở TTTT, báo Ninh Bình, Đài PTTH tỉnh, đại diện một số cơ quan thông tin truyền thông trên địa bàn tỉnh, đại diện đài truyền thanh cơ sở các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Luật báo chí năm 2016 được Quốc hội thông qua ngày 5-4-2016, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2017.
Tại hội nghị, đại diện Sở thông tin và truyền thông đã giới thiệu tổng quan về Luật báo chí; những điểm mới trong Luật báo chí 2016; quán triệt quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước tỉnh Ninh Bình.
Theo đó, Luật Báo chí 2016 có 6 chương, 61 điều, trong đó 32 điều mới và 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của luật hiện hành. Điều quan trọng nhất của Luật này là khẳng định quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của người dân, đảm bảo quyền tiếp nhận thông tin và quyền được thông tin của xã hội. Luật cũng quy định rõ, cụ thể những điều báo chí không được làm; quy định trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí, việc cải chính trên báo chí; luật hóa các quy định bắt buộc về đạo đức người làm báo...
Về kết cấu, luật báo chí năm 2016 đã bổ sung một số quy định mới về chính sách của Nhà nước về phát triển báo chí, hoạt động hợp tác của báo chí Việt Nam với nước ngoài, hoạt động báo chí của báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, bảo vệ nội dung các chương trình phát thanh, chương trình truyền hình, báo điện tử,..
Việc ra đời của Luật Báo chí 2016 sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, là chỗ dựa cho người làm báo để thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ xã hội và nhân dân tốt hơn.
Hạnh Chi