Các đồng chí: Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp; Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, ủy viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp; Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp; Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp; Uông Chu Lưu, UVT.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp chủ trì và điều hành hội nghị.
Cùng dự hội nghị còn có đại diện một số bộ, ngành ở trung ương và lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố tại 63 điểm cầu. Tại Ninh Bình, dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Thanh, UVDKT.Ư Đảng, TVTU, Bí thư Huyện ủy Yên Khánh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh; MTTQ tỉnh và đại diện một số sở, ngành của tỉnh.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã nhấn mạnh: Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, của các cấp, các ngành, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp, thi hành Hiến pháp, pháp luật và góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và việc lấy ý kiến nhân dân phải tiến hành chặt chẽ, khoa học, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đảm bảo sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân và các cơ quan, tổ chức. Chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, bảo đảm đúng định hướng, không để các đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng để chống phá, xuyên tạc trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã trình bày Chỉ thị số 22-CT/TƯ ngày 28-12-2012 của Bộ Chính trị về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp; đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình bày báo cáo về những nội dung cơ bản của dự thảo sửa đổi Hiến pháp; đồng chí Phan Trung Lý, Ủy viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật, Trưởng ban biên tập trình bày báo cáo về kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp; đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phát biểu về công tác tư tưởng, tuyên truyền trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Theo kế hoạch, thời gian tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bắt đầu từ ngày 2-1-2013 đến hết ngày 31-3-2013. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được lấy ý kiến nhân dân là bản Dự thảo do Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp chính thức công bố lấy ý kiến nhân dân được đăng tải trên Báo Nhân dân, Trang thông tin điện tử http://duthaoonline.quochoi.vn để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến. Cá nhân, cơ quan, tổ chức, tập thể đóng góp ý kiến về toàn bộ nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp hoặc về một hay một số nội dung cụ thể trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Tại hội nghị, ý kiến phát biểu của một số tỉnh, thành phố như: Bạc Liêu, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Quảng Nam, Bắc Cạn… về thời gian, tiến độ thực hiện từng công việc, việc gửi báo cáo, lấy ý kiến từng cấp… đều được chủ trì hội nghị giải đáp, tiếp thu.
Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tiếp thu các ý kiến phát biểu của các địa phương, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ sớm có văn bản hướng dẫn, bổ sung để các địa phương triển khai.
Đồng chí nêu rõ: Do công việc triển khai lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp năm 1992 mới bắt đầu, khối lượng công việc cần triển khai rất lớn, nhiều công việc đòi hỏi phải thực hiện trước Tết nguyên đán. Vì vậy, sau hội nghị này đồng chí đề nghị các bộ, ngành, địa phương với vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền cần khẩn trương thực hiện tốt một số công việc sau: Quán triệt sâu sắc, nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp; các bộ, ngành, địa phương cần triển khai kế hoạch của ngành, đơn vị, địa phương mình một cách khoa học, chặt chẽ để lãnh đạo tốt việc lấy ý kiến nhân dân phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, uốn nắn để việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đúng tiến độ, hiệu quả; tổng hợp việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp phải đảm bảo thời gian, chất lượng, đầy đủ, chính xác, toàn diện; đảm bảo sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của cấp ủy Đảng trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp…
Đối với Ninh Bình, tiếp thu các ý kiến chỉ đạo và các nội dung triển khai việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp trung ương, đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành, đơn vị.
Trong đó, đồng chí nhấn mạnh: Để tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tỉnh sẽ thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh, Tỉnh ủy sẽ ban hành Thông tri để cụ thể hóa việc tổ chức thực hiện.
Trước mắt, giao cho Thường trực HĐND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai đến từng cấp, ngành, địa phương, chuẩn bị các điều kiện để tổ chức hội nghị chuyên đề về lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đối với đại biểu HĐND tỉnh. Giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí đăng tải kịp thời các thông tin cũng như nội dung kế hoạch về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trên cơ sở kế hoạch của tỉnh, các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, thị xã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và tổng hợp gửi về thường trực Ban chỉ đạo cấp tỉnh theo đúng thời gian, tiến độ…
Bùi Diệu