Dự hội nghị còn có đồng chí Phạm Hồng Quang, TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh, các đồng chí trong Ban chỉ đạo tỉnh, lãnh đạo các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị đã nghe dự thảo văn bản của Ban chỉ đạo tỉnh về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Quốc hội lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và Kế hoạch triển khai lấy Phiếu xin ý kiến hộ gia đình vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Trong đó nêu rõ, trong thời gian qua, các địa phương, các sở, ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh đã triển khai tốt việc lấy ý kiến nhân dân và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Để tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Ban chỉ đạo tỉnh yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương, Ban chỉ đạo các cấp, cấp ủy, thủ trưởng các sở, ban, ngành, MTTQ, các cơ quan, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang, người lao động và mọi người dân tham gia đóng góp ý kiến bày tỏ quan điểm của mình vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Các huyện, thành phố, thị xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã phường, thị trấn, thôn, xóm, tổ dân phố tiếp nhận, gửi tài liệu đến từng hộ dân gồm: Bảng so sánh giữa Hiến pháp năm 1992 với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 kèm theo báo cáo thuyết minh về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đồng thời gửi Phiếu xin ý kiến đến từng hộ gia đình và tổng hợp các ý kiến góp ý.
Đối với các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, lựa chọn những nội dung cụ thể, phù hợp với từng nhóm đối tượng lấy ý kiến để việc góp ý được tập trung, có chất lượng. In và gửi Phiếu xin ý kiến để từng cá nhân trong cơ quan, đơn vị thể hiện chính kiến của mình về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, thu nhận, tổng hợp ý kiến của các cá nhân thuộc cơ quan, đơn vị mình báo cáo về Ban chỉ đạo tỉnh.
Ngoài ra, Ban chỉ đạo tỉnh yêu cầu Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; tăng cường các tin, bài phân tích, làm rõ những nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp với lập luận khoa học, thuyết phục, chặt chẽ giúp người dân nắm vững và hiểu đúng nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để bày tỏ quan điểm, chính kiến; kịp thời đấu tranh ngăn chặn việc lợi dụng góp ý để chống phá Đảng, nhà nước, chế độ ta.
Tại hội nghị, các đại biểu đã phát biểu nhiều ý kiến liên quan đến phương pháp tổ chức lấy Phiếu xin ý kiến các hộ gia đình; thời gian, tiến độ, kinh phí thực hiện…
Phát biểu kết luận hội nghị đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tỉnh đánh giá cao và xin tiếp thu các ý kiến đóng góp.
Đồng chí đề nghị Ban chỉ đạo cấp tỉnh và Ban chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát việc lấy Phiếu xin ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đảm bảo chất lượng, tiến độ đề ra. Về phương pháp tiến hành, đối với các hộ tập thể sẽ tiến hành lấy ý kiến như các cơ quan, đơn vị; đối với các sở, ban, ngành, đơn vị hành chính, sự nghiệp, lực lượng vũ trang chỉ gửi phiếu lấy ý kiến không kèm theo tài liệu, nếu ai có nhu cầu, cơ quan, đơn vị sẽ cung cấp.
Về kinh phí thực hiện được lấy từ ngân sách tỉnh theo hướng dẫn của sở Tài chính đảm bảo cấp phát kịp thời cho cấp xã triển khai, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hộ gia đình tham gia thể hiện chính kiến đối với từng chương, điều, khoản cũng như toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Quốc Khang