Dự hội nghị có lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Quỹ An sinh xã hội Việt Nam; đại diện một số tổ chức người khuyết tật trong nước, quốc tế; lãnh đạo một số sở, ngành, hội của 29 tỉnh, thành phố phía Bắc. Tham dự hội nghị, tỉnh Ninh Bình có lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và một số cơ quan, đơn vị liên quan.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên. Trong đó, có 58% là nữ, 28,3% là trẻ em, 29% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Đến cuối năm 2019, cả nước đã có gần 3 triệu người khuyết tật được cấp giấy chứng nhận khuyết tật.
"Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020" (còn gọi là Đề án 1019) là một chính sách và chương trình lớn, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với người khuyết tật.
Trong giai đoạn 2012-2020, các hoạt động phát hiện sớm, can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ hỗ trợ cho người khuyết tật trong Đề án đã góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe người khuyết tật. Ước tính, trung bình mỗi năm có khoảng 90% bà mẹ có thai được khám, sàng lọc khuyết tật trước khi sinh; 60% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi tiếp cận được dịch vụ sàng lọc khuyết tật sớm sau sinh và có khoảng 2.000 dụng cụ chỉnh hình và dụng cụ trợ giúp được cung cấp cho người khuyết tật.
8 năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tập trung vào tổ chức giáo dục hòa nhập và thực hiện các chính sách, chế độ ưu tiên đối với học sinh khuyết tật và cán bộ, giáo viên tham gia giáo dục hòa nhập. Cả nước đã hình thành hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập ở 20 tỉnh, thành phố với 122 trung tâm, cơ sở cấp tỉnh, huyện và mạng lưới giáo viên dạy trẻ khuyết tật ở 63 tỉnh, thành phố.
Trong giai đoạn 2012-2020, số học sinh khuyết tật được đi học tăng gấp 10 lần so với giai đoạn 2000-2010, với chất lượng được nâng cao (45,8% trẻ khuyết tật được xếp loại học lực trung bình trở lên). Hằng năm, có từ 2.000-2.500 giáo viên các cấp được đào tạo về nghiệp vụ giáo dục hòa nhập. Cùng với đó, thông qua Đề án đã có 1.500 bảng viết, bộ sách chữ nổi theo chương trình của Bộ GD&ĐT được cấp miễn phí cho học sinh khuyết tật...
Cũng trong giai đoạn trên, trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế, bình quân mỗi năm có từ 17-20.000 người khuyết tật được dạy nghề; 20.000 lượt người khuyết tật được giới thiệu việc làm với tỷ lệ thành công đạt trên 50% và 38.567 người khuyết tật được vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm.
Giai đoạn 2012-2020 cũng có 28.784 lượt người khuyết tật có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý và 400.000-500.000 lượt hộ gia đình có người khuyết tật và người khuyết tật được hướng dẫn kỹ năng, phương pháp chăm sóc, phục hồi chức năng cho người khuyết tật.
Phát huy những kết quả đã đạt được, "Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030" tiếp tục bám sát Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của Người khuyết tật, Chương trình nghị sự đến năm 2030 của Liên hợp quốc và các cam kết của khu vực Đông Nam Á và ASEAN...
Từ đó, Đề án giai đoạn tới sẽ triển khai các hoạt động thi hành Luật Người khuyết tật và các Luật liên quan, Chỉ thị 39 CT/TW ngày 1/11/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân nói chung và người khuyết tật nói riêng.
Đồng thời, Đề án tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình trợ giúp người khuyết tật; khuyến khích người khuyết tật có khả năng học tập, lao động, khắc phục khó khăn, vươn lên sống độc lập, hòa nhập xã hội, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và giúp đỡ người khuyết tật khác.
Cùng ngày, các đại biểu tham dự hội nghị đã tham quan điểm tránh trú thiên tai tại xã Kỳ Phú (huyện Nho Quan) và mô hình may của HTX may mặc Cúc Phương (huyện Nho Quan).
Tin, ảnh: Hạnh Chi