Dự và chỉ đạo hội nghị có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.
Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến và truyền hình, phát thanh trực tiếp. Điểm cầu trực tiếp tại Trụ sở Trung ương Đảng kết nối đến các điểm cầu cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở.
Đoàn đại biểu của tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban TVTU.
Tại điểm cầu Ninh Bình, dự hội nghị có đồng chí Bùi Mai Hoa, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh.
Tại tỉnh Ninh Bình có 753 điểm cầu truyền hình trực tiếp tại các tổ chức cơ sở đảng thuộc các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc với sự tham gia của gần 40.000 đảng viên.
* hoi-nghi-toan-quoc-quan-triet-trien-khai-nghi-quyet-so-30-nq-728df.pdf
Nghị quyết số 30-NQ/TW xác định, vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của dân tộc. Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội để phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bằng sông Hồng thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Phát triển vùng phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hệ thống quy hoạch quốc gia.
Nghị quyết cũng xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2030, giai đoạn 2021 - 2030 tăng trưởng GRDP đạt bình quân khoảng 9%/năm. Đến năm 2030, GRDP vùng tăng khoảng 3 lần so với năm 2020 (giá hiện hành), trong đó nông, lâm và thủy sản chiếm khoảng 3,5%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 47%; dịch vụ chiếm khoảng 41%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 8,5%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/người/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 7%. Tỉ lệ đô thị hóa đạt trên 55%; có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới…
Phấn đấu đến năm 2045, đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Người dân có thu nhập cao, cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc. Các tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới…
Nghị quyết đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; phát triển kinh tế vùng; phát triển hệ thống đô thị bền vững và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; phát triển khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Hội nghị nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để sớm đưa Nghị quyết số 30/NQ/TW vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển vùng đồng bằng sông Hồng.
Dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Trung ương, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã có bài phát biểu tham luận quan trọng với nội dung "Phát huy nguồn lực văn hóa trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng".
Trong đó đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Các quan điểm, nhận thức và tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết 30 đã quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; kế thừa, bổ sung và phát triển các quan điểm của Nghị quyết 54-NQ/TW thành những quan điểm mới phù hợp với bối cảnh mới, tình hình mới; Đã thể hiện tính toàn diện, sâu sắc, với tầm nhìn dài hạn, phát huy tiềm năng lợi thế, xác định rõ trách nhiệm của vùng, của địa phương; đã lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các địa phương, trong đó có Ninh Bình.
Đồng chí cũng nhấn mạnh, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của vùng đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương, đặc biệt là sự phát triển của du lịch. Đối với tỉnh Ninh Bình, xác định phát huy giá trị lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, khơi dậy khát vọng để phát triển nhanh và bền vững là chủ đề của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII.
Thời gian qua Ninh Bình đã có sự chuyển hướng tập trung dành nguồn ngân sách đầu tư thỏa đáng cho hạ tầng, thiết chế văn hóa. Đồng thời, thực hiện đồng bộ, kiên định các giải pháp từ quy hoạch, xây dựng và hoạt định chính sách đến tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm và trong tổ chức thực hiện để tiếp tục nhất quán tư duy phát triển kinh tế từ nâu sang xanh, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang tôn trọng và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa. Hiện nay Ninh Bình đã ngưng cấp phép cho các dự án có thể gây ô nhiễm môi trường, nhất là các dự án khai thác vật liệu xây dựng.
Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa giá trị lịch sử, văn hóa cho sự phát triển kinh tế - xã hội, còn một số vấn đề lớn, khó, mang tầm của vùng, của quốc gia mà địa phương không thể giải quyết được. Vì vậy, để phát huy nguồn lực văn hóa trong thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đề xuất với Trung ương một số ý kiến trọng tâm:
Có cơ chế chỉ đạo, phối hợp, thống nhất quan điểm phát triển toàn diện, bền vững cho cả vùng, trong đó có lĩnh vực văn hóa; tăng cường sự phối hợp, hỗ trợ giữa các địa phương, từ đó tạo sự liên kết trong xây dựng, hoạch định chiến lược phát triển của từng tỉnh, thành phố, phát huy thế mạnh riêng, tạo sức mạnh chung, đảm bảo đồng bộ, hài hòa, hiệu quả, không xung đột, chia cắt, tạo nên sự thống nhất trong đa dạng của các tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Hồng.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, góp phần khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí khát vọng vươn lên của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; đồng thời xây dựng các sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch, thúc đẩy công nghiệp văn hóa, phát triển kinh tế- xã hội.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng nêu lên những trăn trở của Ninh Bình trong quá trình bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa, di sản. Bởi trên thực tế có mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, khi diện tích cần bảo tồn quá lớn (ở Ninh Bình là 22,6%) làm ảnh hưởng đến dư địa phát triển của địa phương.
Bên cạnh đó, trong vùng lõi của di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An, hiện có tới 14.000 người dân sinh sống. Họ là những hộ gia đình đã tồn tại lâu đời, từ trước khi di sản được công nhận. Thực tế, rất nhiều hộ gia đình có nhu cầu về việc sửa chữa nhà cửa, hoặc có nhu cầu về đất ở khi con cái trưởng thành. Tuy nhiên, chưa có hành lang pháp lý vững chắc để địa phương giải quyết những nhu cầu chính đáng này cho nhân dân. Vì vậy, đồng chí đề nghị Trung ương xem xét, ban hành chủ trương, khung chính sách phù hợp cho các tỉnh, thành phố có di sản bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và phát triển kinh tế- xã hội, ổn định cuộc sống cho nhân dân.
Để giải quyết tổng thể những vấn đề đang đặt ra nói trên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị Trung ương nghiên cứu, xem xét, chỉ đạo xây dựng Đề án về bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của vùng đồng bằng sông Hồng, tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững, tương xứng với tầm vóc, tiềm năng, thế mạnh của vùng.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Sau hội nghị hôm nay, tỉnh Ninh Bình sẽ tổ chức quán triệt đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết, nắm thật vững những tư tưởng chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, đề án, chương trình cụ thể hóa Nghị quyết; nỗ lực quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo bước chuyển mới, mạnh mẽ hơn trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận các ý kiến phát biểu của các đại biểu đại diện cho các bộ, ngành, địa phương đã làm phong phú, sâu sắc thêm một số vấn đề trong Nghị quyết. Đồng thời, Tổng Bí thư gợi mở một số vấn đề, trong đó nhấn mạnh những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của Nghị quyết Bộ Chính trị lần này.
Để tổ chức thực hiện có kết quả Nghị quyết, Tổng Bí thư đề nghị phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết, nắm vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm. Trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm của cả nước, của toàn vùng, của từng địa phương trong vùng, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương.
Tổng Bí thư lưu ý, phải khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống văn hiến, cách mạng, tinh thần yêu nước; tính chủ động, sáng tạo; ý chí vươn lên, tự lực, tự cường của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong vùng; quyết vươn lên làm cho bản thân, gia đình và quê hương, đất nước giàu mạnh và tốt đẹp hơn, dẫn đầu cả nước.
Trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, vùng cần khẩn trương đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển. Chính phủ và các cơ quan ở trung ương cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong vùng sớm xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên vượt trội, có tính đột phá cao cho phát triển vùng.
Tổng Bí thư đề nghị chú trọng và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng bộ máy tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Nghiêm túc thực hiện kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị...
Tổng Bí thư yêu cầu ngay sau hội nghị này, các cấp ủy và tổ chức Đảng ở trung ương và các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị ở các địa phương trong vùng cần khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc nghị quyết gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ cần khẩn trương xây dựng, ban hành chương trình hành động triển khai thực hiện nghị quyết; giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành ở trung ương và các địa phương trong vùng...
* Cùng ngày, tại các tổ chức cơ sở đảng thuộc các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc cũng tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045:
Kiều Ân - Anh Tú