Kết nối nội khối Theo nhận định của giới chuyên gia, Hội nghị APEC lần này được kỳ vọng có thể đạt được nhiều kết quả nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực lớn hơn. Hội nghị sẽ tập trung thảo luận và giải quyết các vấn đề liên quan đến gắn kết nội khối như: thương mại, hội nhập đầu tư, đổi mới, tăng trưởng toàn diện và kết nối.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp, tiềm ẩn nguy cơ tái khủng hoảng, giới chuyên gia nhận định Hội nghị lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì đây là dấu mốc sau 25 năm ra đời của APEC và hiện đang giữ vai trò động lực và phát triển năng động nhất của thế giới.
Việc tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại - đầu tư và hợp tác kinh tế kỹ thuật được APEC kiên định mục tiêu theo tuyên bố Bogo, nâng cao 10% chất lượng chuỗi cung ứng khu vực, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng rẻ hơn, nhanh hơn và đơn giản hơn 25%, 54 mặt hàng giảm thuế ở mức 5% trở xuống sẽ được thực hiện vào năm 2015. Tính đến tháng 4/2014, đã có 55 FTA được ký kết trong các thành viên nội khối giúp thúc đẩy kinh tế khu vực tăng trưởng nhanh hơn.
Trong 25 năm kim ngạch thương mại khu vực tăng 8 lần, từ 1.700 tỷ USD năm 1989 lên 11.500 tỷ USD năm 2014, rào cản thương mại giảm từ 16,9% năm 1989 xuống còn 5,8% năm 2010; mỗi năm có gần 200 dự án hợp tác thuộc 30 lĩnh vực được triển khai, từ 1993 đến nay đã triển khai 1.600 dự án, hỗ trợ khoảng 150 dự án/năm với tổng giá trị 23 triệu USD; mức thuế quan bình quân đã giảm 12 điểm phần trăm, từ 17% năm 1989 xuống còn 5,7% năm 2012; GDP khu vực tăng từ 15.700 tỷ USD lên 30.300 tỷ USD, GDP bình quân đầu người tăng 36%.
Hội nghị APEC lần này, nước chủ nhà Trung Quốc đề xuất hai nội dung quan trọng: Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) với nhiệm vụ tài trợ cho cơ sở hạ tầng trong khu vực, và "con đường tơ lụa" trên biển thế kỷ 21 nhằm đẩy mạnh kết nối thương mại nội khối thông qua Biển Đông. Đề xuất thành lập AIIB của Trung Quốc được cho là xuất phát từ nhu cầu cải thiện cơ sở hạ tầng qua đó có thể giúp thu hẹp khoảng cách tài chính trong khu vực.
"Con đường tơ lụa" trên biển được coi là tham vọng của Trung Quốc, tuy có lợi cho giao thương khu vực, nhưng lại ẩn chứa những toan tính chiến lược nhằm hợp pháp hóa những quan điểm riêng về chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông của Trung Quốc, khiến dư luận khu vực và quốc tế quan ngại.
Hình thành FTAAP
Khu vực Thương mại Tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) cũng là chủ đề được Bắc Kinh thúc đẩy thảo luận tại hội nghị lần này. Giới phân tích cho rằng, nhằm đối trọng với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và muốn thể hiện vai trò dẫn đầu trong các hội nghị của APEC, nên Trung Quốc đang kêu gọi các lãnh đạo APEC đưa ra cam kết thành lập khu vực này vào năm 2025.
Các thành viên APEC tiếp tục coi trọng hợp tác trong khuôn khổ nội khối nên coi FTAAP là một trong những cơ chế không thể thiếu để xây dựng hợp tác khu vực theo hướng đa tầng nấc, duy trì vai trò đầu tàu của châu Á - Thái Bình Dương.
Theo giới chức Chính phủ Nhật Bản thì các nhà lãnh đạo APEC có thể sẽ nhất trí một lộ trình để thúc đẩy các nỗ lực nhằm tiến tới tạo lập FTAAP. Nhưng thời hạn có thể bị đẩy lùi do nhiều nước trong đó có Mỹ, Nhật Bản và một số nước khác vẫn muốn ưu tiên cho TPP và các cuộc đàm phán đang tiếp diễn khác như RCEP...
Hợp tác kinh tế - thương mại
Chương trình nghị sự của Hội nghị thảo luận là việc thúc đẩy quan hệ thương mại nhằm tăng cường hội nhập khu vực mạnh mẽ hơn, trong đó đáng chú ý là TPP. Theo các nhà quan sát, tâm điểm của hội nghị lần này vẫn là các cuộc đàm phán thương mại tự do liên quan đến TPP, nhưng cơ chế này không có Trung Quốc tham gia. Còn Trung Quốc lại muốn thực thi một cơ chế trao đổi thông tin nội bộ nhằm minh bạch hóa và tạo điều kiện cho cả TPP và RCEP.
TPP sẽ tạo lập một khu vực thương mại tự do chiếm tới 57% tổng lượng kinh tế và 46% tổng lượng thương mại, gần 40% GDP toàn cầu và giữ vai trò quan trọng về mặt chính trị trong chính sách "xoay trục" của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC, các quan chức phụ trách việc đàm phán TPP của Nhật và Mỹ sẽ nối lại các cuộc thương thảo để giải quyết hai rào cản còn lại về thuế và thương mại ô tô.
Việt Nam là một trong những thành viên chủ động tích cực trong APEC, đã đăng cai tổ chức nhiều hoạt động quan trọng của APEC, với 80 sáng kiến được đề xuất, 9 sáng kiến được triển khai đến năm 2015, nhằm tăng cường tính cạnh tranh, tự do hóa về giá cả cho các sản phẩm thiết yếu. Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò tích cực, nhất là việc phối hợp với các thành viên khởi động đăng cai Năm APEC 2017 và đưa quan hệ với các đối tác chủ chốt đi vào chiều sâu.
Những nội dung lớn được bàn thảotại Hội nghị thượng đỉnh APEC 22 phản ánh quyết tâm của lãnh đạo các nền kinh tế trong khu vực, nhằm "Định hình tương lai thông qua châu Á - Thái Bình Dương", khiến dư luận khu vực và quốc tế kỳ vọng vào hiệu quả của các giải pháp mà APEC nêu ra sau Hội nghị này.
Theo Dangcongsan.vn