Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo công tác ứng phó với cơn bão số 10 của UBND huyện Kim Sơn. Theo đó, bão số 10 (tên quốc tế là Doksuri) hình thành và đi vào biển Đông với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ) và đã ảnh hưởng tới huyện Kim Sơn vào trưa ngày 15/9/2017 với gió cấp 8, cấp 9, giật trên cấp 9; gây ra mưa lớn trên địa bàn huyện với lượng mưa 123mm.
Trước khi bão đổ bộ vào đất liền, nhằm ứng phó với ảnh hưởng của bão gây ra, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Kim Sơn đã ban hành 2 công điện triển khai các giải pháp ứng phó.
Đồng thời họp lãnh đạo các xã, thị trấn để triển khai thực hiện nhanh các công tác, với mục tiêu đảm bảo an toàn tính mạng về người và tài sản của Nhà nước, nhân dân; đảm bảo an toàn cho các công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn; ứng phó kịp thời với tình huống xấu có thể xảy ra; triển khai di dân khu vực từ đê Bình Minh 3 đến Cồn Nổi về nơi tránh, trú bão an toàn; ngăn chặn không cho tàu thuyền ra khơi, kêu gọi các tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi về nơi trú ẩn an toàn; tổ chức trực ban 24/24, triển khai các biện pháp ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ.
Các phương án trên đã được các địa phương thực hiện tốt. Tuy nhiên, do sóng biển rất lớn đã đánh tràn qua đê và làm sạt lở, bong tróc đá lát mái đê Bình Minh 3, tại vị trí sát cống CT11. Trong thời gian ngắn, các lực lượng, phương tiện, máy móc đã được huy động, tiến hành xử lý tình huống.
Ngoài ra, khoảng 16 giờ ngày 16/9, Đồn Biên phòng Kim Sơn cùng ngư dân địa phương đã cứu vớt 3 thuyền viên của tỉnh Kiên Giang, bị đắm tàu tại cửa sông Ninh Cơ (Nam Định), trôi dạt trên vùng biển Kim Sơn.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh hoan nghênh việc UBND huyện Kim Sơn đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm, đồng thời biểu dương công tác chỉ đạo nhanh chóng, kịp thời của Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện.
Đồng chí nhấn mạnh, điều quan trọng nhất chính là không xảy ra tình trạng vỡ đê, đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân. Tuy vậy, đồng chí cũng nêu lên một số tồn tại cần khắc phục trong việc xử lý tình huống sạt lở đê Bình Minh 3 vừa qua.
Đó là một bộ phận lực lượng cấp xã có tư tưởng chủ quan, việc tổ chức trực ban chưa nghiêm; thiếu sự kiểm tra, rà soát vật tư phục vụ công tác PCTT&TKCN; vị trí đặt kho vật tư chưa hợp lý; các phương tiện huy động chưa đáp ứng được yêu cầu xử lý tình huống; việc chủ động về hậu cần chưa tốt...
Để giải quyết những tồn tại kể trên, nhằm chủ động, kịp thời hơn nữa trong những tình huống tương tự có thể xảy ra, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức rà soát, kiểm tra lại nguồn vật tư, phương tiện phục vụ công tác PCTT&TKCN; phối hợp với huyện Kim Sơn nghiên cứu việc di chuyển kho dự trữ vật tư của huyện xuống vị trí gần Trung tâm Chỉ huy PCTT&TKCN; kiểm tra, tiến hành gia cố đê Bình Minh 3; nghiên cứu, hoàn thiện phương án xây dựng một số điếm canh đê trên đê Bình Minh 2, Bình Minh 3; đề xuất phương án chắn sóng tại các vị trí không có rừng phòng hộ.
Về công tác quản lý đê, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan có liên quan cùng huyện Kim Sơn xem xét lại phạm vi quản lý đê, công tác quản lý, nguồn kinh phí phục vụ công tác; tăng cường việc tổ chức tập huấn xử lý tình huống thiên tai có thể xảy ra cho các lực lượng; rà soát lại chính sách về việc đầu tư vật tư phục vụ công tác PCTT&TKCN.
Giao cho các xã kiểm điểm lại công tác ứng phó với cơn bão số 10, thẳng thắn chỉ rõ hạn chế để khắc phục. UBND huyện Kim Sơn tổng hợp lại các ý kiến chỉ đạo, rà soát các phương án PCTT&TKCN bổ sung, nhằm chủ động trong mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra.
Thái Học - Đức Lam