Địa chí Ninh Bình là công trình khảo cứu tổng hợp về địa lý, lịch sử, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh Ninh Bình; là loại hình nghiên cứu đặc biệt vừa có tính khoa học vừa có tính phổ thông, liên quan đến hầu hết các lĩnh vực, các ngành nghề, chức năng, sản xuất, tổ chức xã hội. Qua 5 năm tổ chức triển khai nghiên cứu, ban quản lý công trình và đội ngũ các nhà khoa học của Trung ương phối hợp với các nhà nghiên cứu ở địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng vượt qua những khó khăn, tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế chính sách, tập trung nghiên cứu, tổ chức các cuộc hội thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các nhà quản lý và các hoạt động thực tiễn của địa phương, từng bước hoàn chỉnh bản thảo 6 phần nội dung cuốn sách. Sau khi nghiên cứu, xem xét chất lượng bản thảo các phần, trên cơ sở tham mưu, đề xuất của Ban quản lý công trình, Ban chỉ đạo công trình quyết định thành lập các hội đồng khoa học chuyên ngành để tổ chức nghiệm thu các phần của cuốn Địa chí Ninh Bình nhằm đánh giá một cách khoa học kết quả nghiên cứu của các nhóm biên soạn. Tại hội nghị, các nhà khoa học trong hội đồng nghiệm thu đã tập trung nghiên cứu, thẩm định, đánh giá khách quan, chính xác chất lượng nội dung các phần lịch sử, văn hóa, hệ thống chính trị và phần thành phố, thị xã và các huyện trên những khía cạnh, tiêu chí chủ yếu: Cách thức tiếp cận và hệ thống phương pháp nghiên cứu; tính logic trong cấu trúc các chương, mục của bản thảo; độ tin cậy, tính chính xác, tính cập nhật, phong phú của hệ thống tài liệu, số liệu các tác giả đã sử dụng, các số liệu đã điều tra, thu thập; chất lượng trình bày, văn phong thể hiện trong bản thảo; đề xuất, thống nhất những nội dung cần tiếp tục sửa chữa, bổ sung hoàn chỉnh để nâng cao chất lượng bản thảo.
Các thành viên hội đồng khoa học đã bỏ phiếu đánh giá xếp loại 4 phần bản thảo đủ điều kiện kết thúc giai đoạn biên soạn, chuyển sang giai đoạn biên tập tổng hợp toàn bộ cuốn sách sau khi các tác giả bổ sung, chỉnh lý theo góp ý của các thành viên hội đồng nghiệm thu.