Đồng chí Phạm Quang Nghị và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Ninh Bình thăm Nhà máy ô tô Hyundai Thành Công.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và Thành phố Hà Nội đã thông báo cho nhau về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng và những vấn đề mà Hà Nội và Ninh Bình cùng quan tâm nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
Theo đó, những năm qua, Ninh Bình đã có bước phát triển nhanh và bền vững. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm (2011-2015) đạt 7,7%. Phong trào xây dựng NTM đạt kết quả quan trọng với 16 xã đạt chuẩn NTM. Công nghiệp có bước phát triển tích cực, tổng giá trị sản xuất năm 2015 ước đạt trên 30 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 2,3 lần so với năm 2010. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được đẩy mạnh, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Đặc biệt, với việc Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới đã góp phần thu hút trên 4,3 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch trong năm 2014, doanh thu đạt khoảng 1 nghìn tỷ đồng. Văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Công tác xây dựng hệ thống chính trị được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc và toàn diện, tạo sự chuyển biến tích cực, thúc đẩy kinh tế-xã hội ngày càng phát triển.
Đối với thành phố Hà Nội, năm 2014, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 8,8%, kinh tế tiếp tục đà phục hồi trong tất cả các ngành, lĩnh vực chủ yếu. Thu ngân sách đạt kết quả khá. Tổng vốn đầu tư phát triển đạt 310 nghìn tỷ đồng. Hà Nội là địa phương đứng thứ 3 toàn quốc về thu hút tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với 61 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia đầu tư và trên 2.800 dự án còn hiệu lực.
Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, bảo vệ môi trường tiếp tục được quan tâm, triển khai tích cực. Hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình giao thông trọng điểm được ưu tiên đầu tư, làm cho diện mạo thủ đô ngày càng hiện đại. Hà Nội xếp thứ 4 trong danh sách 25 điểm đến hàng đầu thế giới. Trên địa bàn thành phố có nhiều trường đại học, cao đẳng, góp phần quan trọng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho thủ đô và cả nước. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo. Quốc phòng an ninh được củng cố vững chắc…
Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn công tác của 2 tỉnh, thành phố đã trao đổi, chia sẻ, phân tích kỹ hơn những lợi thế phát triển của từng địa phương và đề xuất, gợi ý các giải pháp nhằm cùng nhau liên kết phát triển, nhất là những đề xuất ở các lĩnh vực có thể đẩy mạnh hợp tác hơn nữa giữa Hà Nội và Ninh Bình, như lĩnh vực dịch vụ, du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng, vấn đề ATGT, công tác xây dựng Đảng, kinh nghiệm đào tạo cán bộ nguồn…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVDKT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh bày tỏ sự vui mừng khi được đón và làm việc với Đoàn công tác của thành phố Hà Nội nhằm tăng cường quan hệ hợp tác cùng phát triển.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình khẳng định, tỉnh Ninh Bình và thành phố Hà Nội có sự liên kết đặc biệt cùng hỗ trợ phát triển cả trong các thời kỳ lịch sử của dân tộc cũng như trong thời kỳ thống nhất, đổi mới và xây dựng đất nước. Mối quan hệ đó càng trở nên bền chặt, gắn bó hơn khi những năm qua, được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Hà Nội, Ninh Bình đã nhận được sự giúp đỡ to lớn cả về vật chất, tinh thần để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Tỉnh Ninh Bình có nhiều tiềm năng để phát triển nhưng có những tiềm năng chưa phát huy được, do đó, thời gian tới, Ninh Bình xác định và mong muốn được liên kết, hợp tác với các tỉnh trong khu vực, đặc biệt là thành phố Hà Nội. Trọng tâm liên kết là phát triển du lịch, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, đưa Ninh Bình là vùng cung cấp thực phẩm sạch cho thủ đô.
Đồng thời, các lĩnh vực giao thông, thương mại, hỗ trợ thu hút đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đầu tư, phát triển thị trường tại Ninh Bình, phát huy hiệu quả vị trí địa lý, tiềm năng của cửa ngõ phía Nam thành phố Hà Nội để thực hiện quản lý, giữ gìn vành đai xanh thủ đô, xây dựng vùng thoát lũ, chậm lũ cho Hà Nội...
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình cũng nhấn mạnh, hiện nay, Ninh Bình đang đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư có ngày lễ quốc gia 8-3 âm lịch và lễ kỷ niệm 1.050 năm thành lập nước Đại Cồ Việt vào năm 2018, do đó Ninh Bình mong muốn Hà Nội ủng hộ, giúp đỡ tỉnh trong với việc xác định giá trị lịch sử của Cố đô Hoa Lư, vai trò của Đinh Tiên Hoàng Đế trong việc thống nhất, xây dựng đất nước, thành lập nhà nước đầu tiên của Việt Nam, khẳng định những giá trị kết nối giữa Hoa Lư và Thăng Long.
Cùng với đó hỗ trợ, tạo điều kiện cho tỉnh Ninh Bình thực hiện việc tôn tạo Cố đô Hoa Lư với nguồn kinh phí quốc gia, xây dựng cơ sở hạ tầng khu di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, vùng kinh tế biển Kim Sơn; xây dựng tuyến đường du lịch Bái Đính - Ba Sao - Mỹ Đình qua cầu Hoàng Long; chương trình kết nối kinh đô Ninh Bình - Hà Nội - Phú Thọ...
Vui mừng trước những tình cảm, sự đón tiếp trân trọng của tỉnh Ninh Bình, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội ghi nhận và đánh giá cao những kết quả phát triển nhanh và bền vững của tỉnh Ninh Bình trong thời gian qua, khẳng định, trong những năm qua, Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm, theo dõi, ủng hộ, giúp đỡ của các tỉnh, của nhân dân trong cả nước nói chung và của tỉnh Ninh Bình nói riêng, khẳng định rõ tình cảm "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội". Đó là nguồn lực vật chất, tinh thần to lớn giúp Hà Nội hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của mình.
Thông qua buổi làm việc này, lãnh đạo thành phố Hà Nội có dịp được trao đổi kinh nghiệm với tỉnh Ninh Bình trên tất cả các lĩnh vực. Trong lĩnh vực thương mại, hợp tác đầu tư, căn cứ điều kiện thực tế, hai bên phối hợp các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, hướng dẫn, tạo điều kiện khuyến khích để các doanh nghiệp 2 bên đầu tư sản xuất, khai thác và tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa là thế mạnh của địa phương, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản nông sản, thủy sản.
Hà Nội và Ninh Bình có điểm chung là nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh nổi tiếng, nhiều tiềm năng về du lịch, do vậy, giữa các ngành, địa phương cần hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về tổ chức, quản lý các di tích, lễ hội, các hoạt động dịch vụ, văn hóa; quảng bá, tuyên truyền tiềm năng, thế mạnh về du lịch, phối hợp xây dựng và tổ chức các tua, tuyến du lịch trên địa bàn của các tỉnh, nhất là du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng...
Hai địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai các nhiệm vụ thuộc đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy đến năm 2020; chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục và cải thiện ô nhiễm môi trường. Đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện để lãnh đạo của 2 tỉnh, thành phố thường xuyên giao lưu, thăm hỏi, trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau trên các lĩnh vực công tác.
Đồng chí Phạm Quang Nghị cũng nhất trí, ủng hộ những đề xuất của tỉnh Ninh Bình, đồng thời đề nghị sau buổi làm việc này, các Sở, ngành của 2 địa phương sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác nhằm trao đổi học tập kinh nghiệm, khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên để đẩy mạnh phát triển kinh tế -xã hội, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của từng địa phương và cả nước.
Trước đó, Đoàn công tác của thành phố Hà Nội đã đến thăm Nhà máy lắp ráp, sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Ninh Bình.
Mỹ Hạnh-Thế Minh