Sau 15 năm thi hành, Luật Lao động hiện hành đã cơ bản đi vào thực tiễn cuộc sống, tạo hành lang pháp lý cho các chủ thể thiết lập quan hệ lao động, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, Luật Lao động đã bộc lộ những hạn chế, bất cập đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung. Dự thảo Luật Lao động sửa đổi trình Quốc hội xem xét gồm 17 chương, tiếp tục điều chỉnh quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động và các quan hệ xã hội khác liên quan trực tiếp với quan hệ lao động.
Các ý kiến phát biểu tại hội nghị đều cơ bản tán thành sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Lao động, đồng thời tham gia một số vấn đề liên quan đến quy định về tổ chức đại diện người sử dụng lao động; đại diện tập thể lao động ở những doanh nghiệp chưa thành lập các tổ chức Công đoàn; về thỏa ước lao động tập thể ngành; thời gian làm thêm; thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ... Hầu hết các ý kiến đều nhất trí việc tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ lên 6 tháng để đảm bảo sức khỏe cho lao động nữ và trẻ sơ sinh, phù hợp với khuyến nghị "nuôi con từ 0 - 6 tháng tuổi hoàn toàn bằng sữa mẹ" của Tổ chức sức khỏe thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên hợp Quốc.
Đối với vấn đề bình đẳng giới và độ tuổi nghỉ hưu, nhiều ý kiến tán thành việc giữ nguyên như quy định hiện hành 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nếu cùng thời gian công tác như nhau thì lao động nữ khi nghỉ hưu sẽ thấp hơn nam giới hai bậc lương. Vì vậy, cần có chế độ hỗ trợ cho lao động nữ trước khi nghỉ hưu, đồng thời đối với một số lĩnh vực lao động đặc thù, cần tạo điều kiện cho người lao động khi họ tự nguyện kéo dài thời gian làm việc. Đối với quy định về thời gian làm thêm, có ý kiến băn khoăn nếu Luật quy định tăng thời gian làm thêm thì vì vấn đề lợi ích nhiều chủ doanh nghiệp muốn tăng thêm giờ, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người lao động, nhất là lao động nữ, kiến nghị nên giữ nguyên quy định hiện hành về thời gian làm thêm. Theo ý kiến của Liên đoàn Lao động tỉnh, những tranh chấp lao động hiện nay diễn ra rất phức tạp, đa dạng, vì vậy cần phải sửa đổi toàn diện các quy định về tranh chấp lao động tại Chương 14 theo hướng quy định rõ ràng, cụ thể quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động.
Đa số ý kiến đồng tình với việc cần thiết phải sửa đổi Luật Công đoàn song nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật cần thể hiện rõ hơn vấn đề đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Công đoàn các cấp và Công đoàn tại các doanh nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Công đoàn cơ sở để Công đoàn thực sự là chỗ dựa vững chắc của công nhân tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động Công đoàn, hầu hết ý kiến đồng tình với dự thảo xác định, quy định có tính nguyên tắc về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động Công đoàn của người lao động.
Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, Luật chỉ nên quy định người lao động có quyền gia nhập và hoạt động Công đoàn chứ không có quyền thành lập Công đoàn bởi sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý.
Đối với vấn đề tài chính Công đoàn, đa số ý kiến đồng tình như dự thảo Luật quy định các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều phải có nghĩa vụ đóng kinh phí Công đoàn bằng 2% tính trên quỹ tiền lương thực trả cho người lao động, nhằm bảo đảm sự thống nhất, bình đẳng về trách nhiệm của các loại hình doanh nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định thỏa ước tập thể ngành là quá rộng, khó áp dụng trong thực tế bởi lẽ có thể làm phức tạp thêm thủ tục ký thỏa ước lao động tại các doanh nghiệp, gây mất thời gian, tốn kém cho cả người lao động và sử dụng lao động.
Theo nhiều đại biểu, cần quy định rõ địa vị pháp lý của tổ chức Công đoàn, quy định chủ doanh nghiệp phải tạo điều kiện cho tổ chức Công đoàn, đồng thời nên quy định rõ vấn đề hỗ trợ của Nhà nước, chế độ đãi ngộ với cán bộ Công đoàn chuyên trách. Hiện nay, tình trạng vi phạm Luật Công đoàn còn diễn ra khá phổ biến, đơn cử như quy định doanh nghiệp phải thành lập tổ chức Công đoàn sau khi thành lập 15 ngày, tuy nhiên rất nhiều doanh nghiệp không thực hiện, đề nghị cần bổ sung chế tài đủ mạnh để đảm bảo Luật được thi hành trong thực tế.
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đồng chí Bùi Văn Phương, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá cao ý kiến đóng góp chất lượng của các đại biểu, những ý kiến đó sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tập hợp, tham gia hoàn thiện các dự thảo luật trình Quốc hội thông qua trong thời gian sắp tới.
Quốc Khang