Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đinh Chung Phụng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá cao sự chủ động của
Sở công thương cũng như Liên minh HTX tỉnh trong việc tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, góp phần mở ra cơ hội mới cho các HTX, DN trong và ngoài tỉnh liên kết phát triển sản xuất kinh doanh, đưa sản phẩm chủ lực của các đơn vị, địa phương vào thị trường mới.
Đồng chí nhấn mạnh: Trong thời gian vừa qua, Ninh Bình đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa; các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục ban hành một số chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh nhằm tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư, liên kết vào nông nghiệp - nông thôn Ninh Bình; đẩy mạnh công tác quy hoạch sản xuất, từng bước hình thành các vùng sản xuất quy mới lớn, vùng nguyên liệu tập trung; dành ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp; tiếp tục tập trung đầu tư hạ tầng cho nông thôn, đặc biệt là giao thông nội đồng, thủy lợi.
Đồng chí cũng đề nghị Liên minh HTX tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng các chương trình kết nối giữa các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp vào hệ thống chuỗi phân phối trong cả nước. Đồng thời, tỉnh mong muốn Liên minh HTX Việt Nam quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình trong việc triển khai thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Ninh Bình hiện có 223 HTX dịch vụ nông nghiệp và nhiều doanh nghiệp nông nghiệp đang hoạt động trong 37 chuyên ngành. Mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực của địa phương có liên kết với doanh nghiệp từ đầu vào đến tiêu thị sản phẩm đầu ra theo hợp đồng ngày càng được các địa phương quan tâm thành lập và nhân rộng.
Tổng diện tích gieo trồng là 61,3 nghìn ha đạt năng suất gần 500 nghìn tấn, trong đó, rau, củ quả là 150 nghìn tấn, tổng giá trị trên 4,5 nghìn tỷ đồng. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quan tâm chỉ đạo, phát triển; diện tích sản xuất rau và hoa trong nhà lưới, nhà màng, tưới tự động ngày càng được quan tâm đầu tư xây dựng.
Toàn tỉnh hiện có 33 sản phẩm thế mạnh thuộc 6 nhóm sản phẩm, trong đó, có 13 sản phẩm có đăng ký công bố chất lượng, 11 sản phẩm đã có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Hiện nay các sản phẩm của HTX được tiêu thụ dưới nhiều hình thức và kênh phân phối khác nhau như qua hệ thống chợ, cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại và xuất khẩu. Việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chủ lực của HTX gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương như: lúa gạo, các loại nấm, sản phẩm dược liệu, thịt dê…
Tuy nhiên hiện nay, mối liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ chưa chặt chẽ. Các HTX, doanh nghiệp còn lúng túng khi tham gia chuỗi giá trị trong liên kết sản xuất, liên kết ngoài tỉnh còn ít.
Để tăng cường kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa các HTX, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nhiều tham luận tại hội nghị đề xuất cần tổ chức thường xuyên hơn nữa các hội nghị xúc tiến thương mại, để các HTX, các doanh nghiệp có cơ hội giao thương, học tập kinh nghiệm, ký kết hợp đồng kinh tế; mở các gian hàng bán, giới thiệu sản phẩm ở các địa phương; chính quyền các địa phương cần quan tâm hơn nữa tới công tác quy hoạch vùng sản xuất; hướng dẫn HTX, doanh nghiệp thực hiện các quy định về sản xuất hàng hóa, bao gói, nhãn mác của sản phẩm...
Tại hội nghị, một số DN và HTX đã ký kết các biên bản ghi nhớ về việc chuyển giao kỹ thuật sản xuất, liên kết giữa các khâu sản xuất và phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Thái Học - Đức Lam