Tham dự hội nghị còn có các đồng chí: Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; lãnh đạo các bộ, ban, ngành của trung ương; các đồng chí ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các tỉnh, thành phố tại 63 điểm cầu.
Tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; trưởng, phó các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Bí thư ban cán sự đảng, đảng đoàn ở tỉnh; Bí thư, Phó Bí thư, Trưởng Ban Tuyên giáo các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; Phó Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các đồng chí báo cáo viên trung ương, báo cáo viên cấp tỉnh đang công tác tại các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của việc học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII của Đảng, gồm 3 Nghị quyết: Nghị quyết số 11-NQ/TƯ về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 12-NQ/TƯ về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; Nghị quyết số 10-NQ/TƯ về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đây là những vấn đề cốt yếu, đặc biệt quan trọng đối với việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm do Đại hội Đảng khóa XII đã đề ra về phát triển kinh tế, xã hội. Nội dung trọng tâm các Nghị quyết này là những vấn đề lớn mang tính chất đột phá, giải quyết những vấn đề chỉ đường về thể chế kinh tế, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế Nhà nước và kinh tế tư nhân.
Chính vì tầm quan trọng của 3 nghị quyết nên việc học tập, triển khai nghị quyết là rất quan trọng nhằm tạo sự thống nhất trong triển khai và hành động trong toàn Đảng, toàn hệ thống, toàn dân, toàn quân, cộng đồng doanh nghiệp.
Để 3 nghị quyết đi vào cuộc sống một cách sâu sắc, Thủ tướng Chính phủ đề nghị phải bám sát nghị quyết và chú trọng thực hiện một số nội dung: Thống nhất nhận thức và nội dung cốt lõi của nghị quyết, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; tập trung vào quản lý đất đai để phát triển nông nghiệp, đổi mới chính sách cải cách tiền lương, rà soát tháo gỡ vướng mắc về thể chế kinh tế, kiên quyết xử lý nợ công; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững...
Thủ tướng yêu cầu ngay sau hội nghị, các cơ quan, đơn vị cần chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả chương trình hành động triển khai Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII của Đảng gắn với thực tiễn của ngành, cơ quan, đơn vị, làm cơ sở để xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của từng cấp ủy, từng cơ quan, đề xuất phương hướng, mục tiêu, giải pháp trong những lĩnh vực, nhiệm vụ, công việc được giao.
Hội nghị đã nghe đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương truyền đạt, giới thiệu những nội dung cơ bản của 3 Nghị quyết nêu trên.
Trong đó, nhấn mạnh: Xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ chiến lược, là khâu đột phá quan trọng, tạo động lực để phát triển nhanh và bền vững; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, nhằm huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp để doanh nghiệp nhà nước giữ vững vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của nền kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; là một phương sách quan trọng để giải phóng sức sản xuất; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển.
Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỉ trọng đóng góp trong GDP.
Phan Hiếu