Hội nghị hiệp thương, thống nhất chương trình phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh năm 2025
Thứ Sáu, 17/01/2025, 17:36
Zalo
Chiều 17/1, đồng chí Nguyễn Hoàng Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì hội nghị hiệp thương, thống nhất chương trình phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh năm 2025.
Quang cảnh hội nghị.
Cùng dự hội nghị có các đồng chí trong Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các tổ chức chính trị-xã hội; đại diện các Hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố; lãnh đạo, chuyên viên Ban Dân chủ-Pháp luật và lãnh đạo Văn phòng cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Thực hiện Thông tri số 08-TT/TU, ngày 3/1/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh và các văn bản, nghị quyết của tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành văn bản về việc xây dựng chương trình phản biện xã hội năm 2025, gửi các Sở, ngành trên địa bàn tỉnh để các đơn vị căn cứ vào chương trình công tác của cơ quan, đơn vị dự kiến trong năm 2025 tham mưu xây dựng dự thảo chương trình, kế hoạch, quy hoạch, dự án, đề án, văn bản quy phạm pháp luật... có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, đoàn viên, hội viên trong các tổ chức thành viên, đề nghị MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở tỉnh tổ chức phản biện xã hội đối với nội dung dự thảo các văn bản trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Đến ngày 30/12/2024, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp nhận văn bản đăng ký chương trình phản biện xã hội năm 2025 của 13 cơ quan, đơn vị (trong đó có 4 Sở đề nghị tổ chức phản biện xã hội nội dung dự thảo văn bản, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, 4 đơn vị gửi văn bản nhưng không đăng ký nội dung phản biện, 5 tổ chức chính trị-xã hội tỉnh đăng ký nội dung kiến nghị phản biện xã hội đối với các nội dung liên quan chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động). Trong năm 2025, dự kiến, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh sẽ chủ trì tổ chức phản biện xã hội đối với 9 dự thảo nghị quyết.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến vào các nội dung giám sát của MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội năm 2025.
Đồng chí Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Hoàng Hà phát biểu kết luận hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Hoàng Hà ghi nhận những ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tại hội nghị.
Đồng chí đề nghị: Thực hiện công tác phản biện xã hội năm 2025 trên tinh thần tổng hợp, chủ động của các cơ quan, đơn vị và phát huy sự phối hợp giữa các tổ chức chính trị-xã hội. Quá trình thực hiện phản biện mời các ban HĐND tỉnh và các chuyên gia, huy động nhiều lực lượng tham gia nhằm đảm bảo hiệu quả. MTTQ cấp huyện theo tinh thần hiệp thương như hội nghị hiệp thương, thống nhất chương trình phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh năm 2025 để triển khai tại địa phương.
Các tổ chức chính trị-xã hội và các Ban của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trong tổ chức hội nghị phản biện cần quan tâm lắng nghe dư luận xã hội, thông qua đối thoại, thông qua quá trình lãnh đạo, chỉ đạo. Trong quá trình thực hiện cần sự phối hợp với các ban của HĐND tỉnh, các chuyên gia để đảm bảo phản biện các nghị quyết chặt chẽ...