Ngày 14/11, Viện KSND tỉnh tổ chức Hội nghị góp ý vào Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Dự Hội nghị có đồng chí Lê Hữu Thể - Phó viện trưởng VKSND tối cao, lãnh đạo Viện khoa học kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các đại biểu trong ngành Kiểm sát và các ban, ngành liên quan.
Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự được xây dựng gồm 8 phần, 36 chương, 476 điều (trong đó, có 286 điều sửa đổi, 142 điều bổ sung mới, giữ nguyên 48 điều và bỏ 12 điều). Điểm đáng chú ý của dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) là tập trung đề cao quyền con người và quyền dân chủ. Trong đó, nổi bật là việc đề cập tới quyền im lặng của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Theo đó, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị cáo có quyền trình bày lời khai, đưa ra ý kiến hoặc từ chối trình bày lời khai, đưa ra ý kiến. Hay bị can có quyền đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra nhằm cụ thể hóa quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa của người bị buộc tội được nêu trong Hiến pháp 2013.Tại Hội nghị, nhiều ý kiến góp ý đã tập trung thảo luận vào một số vấn đề về tăng quyền, tăng trách nhiệm cho điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán; mở rộng diện người tiến hành tố tụng đối với trợ lý điều tra viên, kiểm tra viên, thẩm tra viên; quyền im lặng của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam; trình tự xét hỏi; thẩm quyền khởi tố của tòa án; giới hạn xét xử; thẩm quyền của hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; sự có mặt của điều tra viên tại phiên tòa; việc luật hóa các biện pháp điều tra đặc biệt…
Hầu hết các ý kiến cơ bản thống nhất với bố cục cũng như các điều, khoản tại Dự thảo Bộ luật. Những ý kiến đóng góp tại Hội nghị sẽ được Viện KSND tỉnh tổng hợp để trình Viện KSND tối cao nhằm bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).
Kiều Ân-Đức Lam