Dự hội nghị có đồng chí Đinh Văn Điến, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành: Kế hoạch đầu tư, Cục thuế, Ngân hàng Nhà nước, Tài nguyên và môi trường, Tư pháp; đại diện Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh và gần 100 doanh nghiệp trên địa bàn. Đến hết quý I, toàn tỉnh có 4.236 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và điểm kinh doanh đăng ký hoạt động. Nhìn chung, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, đây là động lực chủ yếu để phát triển kinh tế, thúc đẩy sự tăng trưởng, đóng góp chủ yếu vào thu ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho người lao động.
Các doanh nghiệp đã từng bước nghiên cứu thị trường, tích lũy vốn để mở rộng kinh doanh, đổi mới máy móc thiết bị, đầu tư những công trình có giá trị lớn. Toàn tỉnh có khoảng 400 doanh nghiệp xây dựng, sản xuất và khai thác vật liệu xây dựng đã vươn ra tỉnh ngoài sản xuất, kinh doanh. Trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại, dịch vụ đã từng bước nâng cao chất lượng phục vụ, nhiều sản phẩm của doanh nghiệp đã tìm được thị trường tiêu thụ ổn định.
Tuy vậy, qua khảo sát tại thời điểm hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều khó khăn về vốn, khả năng thanh khoản, việc làm, tiêu thụ sản phẩm chậm, sức mua hàng hóa chưa được cải thiện, số doanh nghiệp co hẹp sản xuất, kinh doanh và hoạt động cầm chừng chiếm tỷ lệ cao khoảng 40% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn.
Trước tình hình đó, các doanh nghiệp đề nghị Nhà nước có những giải pháp về thuế, lãi suất ngân hàng, xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực và dạy nghề, cải cách thủ tục hành chính..., từng bước giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Tại hội nghị, đại biểu các hội doanh nghiệp ở địa phương, ngành nghề đã nêu lên những khó khăn, thuận lợi và kiến nghị Nhà nước có những giải pháp thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp.
Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đồng chí Đinh Văn Điến, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc đóng góp vào nền kinh tế của địa phương. Đồng chí ghi nhận những ý kiến và chia sẻ những khó khăn của các doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay.
Đồng chí đề nghị các ngành, các cấp hãy cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, rà soát lại các thủ tục hành chính để tạo điều kiện tối ưu cho doanh nghiệp về chính sách thuế, tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất hợp lý, tăng cường phối hợp với doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại, khuyến công, đào tạo nghề... Đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp sản xuất trong các lĩnh vực chế biến nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, những sản phẩm tiêu biểu của địa phương.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, đảm bảo năng lực tài chính, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh lành mạnh. Trong thời điểm khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp cần phải chủ động trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, phát triển thị trường, từng bước nâng cao tay nghề của đội ngũ lao động trong các doanh nghiệp và quan tâm hơn nữa đến đời sống của người lao động.
Đồng chí tin tưởng rằng với sự nỗ lực từ phía Nhà nước trong việc cải thiện các chính sách, cùng với sự chủ động của các doanh nghiệp, các doanh nghiệp trong tỉnh sẽ nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Nguyễn Thơm-Đức Lam