Hội nghị đã được nghe đại diện Công ty cổ phần Sàn giao dịch rau quả - thực phẩm an toàn Hà Nội giới thiệu nội dung chương trình hỗ trợ các HTX (hoặc nhóm sản xuất) tỉnh Ninh Bình.
Theo đó, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Ninh Bình chủ yếu là quy mô nhỏ, manh mún với số doanh nghiệp phù hợp để ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nông nghiệp chưa nhiều, do đó cần hỗ trợ phát triển song song cả hai hình thức: Sản xuất theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm với một doanh nghiệp đầu mối; Sản xuất xây dựng thương hiệu chung, tiếp thị và kết nối tiêu thụ sản phẩm theo nhiều kênh khác nhau.
Trên cơ sở đó, Công ty cổ phần Sàn giao dịch rau quả - thực phẩm an toàn Hà Nội đã đề xuất hỗ trợ các HTX (hoặc nhóm sản xuất) thuộc tỉnh Ninh Bình theo 2 cách: Đối với HTX (hoặc nhóm sản xuất) đã tham gia hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp đầu mối, Sàn giao dịch sẽ hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp. Với HTX (hoặc nhóm sản xuất) đang sản xuất và tự tiêu thụ sản phẩm, Sàn giao dịch sẽ triển khai 6 nhiệm vụ cụ thể: đào tạo, kỹ năng lập kế hoạch và quản trị sản xuất nhóm; tư vấn hỗ trợ xây dựng thương hiệu nhóm…; hỗ trợ kết nối với các đầu mối mua hàng phù hợp qua Sàn giao dịch rau quả - thực phẩm an toàn Hà Nội để tiêu thụ sản phẩm đầu ra.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận sâu về các vấn đề: điều kiện và chi phí tham gia sàn giao dịch; trách nhiệm của sàn giao dịch đối với các tổ chức, cá nhân tham gia;….
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đinh Quốc Trị, TVTU, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh đã đánh giá cao sự nỗ lực của ngành Nông nghiệp trong việc tổ chức thực hiện các chương trình nhằm đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Đồng chí Phó chủ tịch khẳng định việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua Sàn giao dịch là mô hình khá mới và sẽ gặp nhiều khó khăn khi triển khai. Do đó, đồng chí đề nghị: Người sản xuất cần phải tiếp tục nghiên cứu, nắm bắt thị trường và sản xuất ra những sản phẩm tốt, an toàn, đảm bảo chất lượng phù hợp với nhu cầu; phải thay đổi cách nghĩ, cách làm để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích canh tác; chủ động tổ chức các mối liên kết để tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.
Đối với Sàn giao dịch rau quả - thực phẩm an toàn Hà Nội hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn các HTX (hoặc nhóm sản xuất) thực hiện theo các bước, quy trình tiêu thụ sản phẩm, dần hình thành thói quen làm việc mới; cung cấp thông tin thị trường để người sản xuất.
Với nhà quản lý, đồng chí Phó Chủ tịch thường trực đề nghị Sở Nông nghiệp&PTNT phối hợp với Sàn giao dịch rau quả - thực phẩm an toàn Hà Nội đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về vấn đề sản xuất an toàn và tiêu thụ sản phẩm qua Sàn giao dịch; tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tạo điều kiện và kịp thời tháo gỡ khó khăn giữa nhà sản xuất và nhà tiêu thụ sản phẩm; tăng cường giám sát, chỉ đạo sản xuất từng loại cây, con cho phù hợp; phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố chọn một số HTX làm điểm tham gia sàn giao dịch, sau đó có sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm.
Các huyện, thành phố, thị xã phối hợp với ngành Nông nghiệp, Sàn giao dịch rau quả - thực phẩm an toàn Hà Nội thực hiện tốt các nhiệm vụ trên. Trong thời gian đầu triển khai thực hiện mô hình tiêu thụ mới, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình và xây dựng đề án đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Hồng Giang