Tại hội nghị, Tiến sỹ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện chính sách chiến lược (Bộ NN&PTNT) đã giới thiệu về tình hình phát triển nông nghiệp của đất nước so với thế giới; những khó khăn, bất cập; cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp của Đảng và nhà nước; cơ hội và thách thức của ngành nông nghiệp khi hội nhập kinh tế thế giới, nhất là tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương... So với các nước trong khu vực, Nông nghiệp nước ta là ngành kinh tế có sự tăng trưởng ổn định nhất trong các năm qua, là ngành kinh tế duy nhất liên tục xuất siêu...Tuy nhiên, ngành nông nghiệp nước nhà vẫn còn nhiều khó khăn bất cập: Thiên tai, dịch bệnh; đầu tư ít; cơ chế chính sách chưa đồng bộ...
Để hội nhập kinh tế Quốc tế, nhất là việc tham gia Hiệp định TPP, đòi hỏi cần phải tái cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó có ngành nông nghiệp. Tái cơ cấu trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền; Cơ cấu lại hệ thống tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân...
Phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại; hình thành các vùng chăn nuôi xa thành phố, khu dân cư; khuyến khích áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn, đến chế biến để nâng cao năng suất, cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng.
Tập trung sản xuất thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực; tiếp tục đa dạng hóa đối tượng và phương pháp nuôi để khai thác cơ hội thị trường; khuyến khích nuôi công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt (GAP) phù hợp quy chuẩn quốc tế; đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại trong chế biến nâng cao giá trị sản phẩm; cơ cấu lại sản phẩm chế biến đông lạnh theo hướng giảm tỷ trọng các sản phẩm sơ chế, tăng tỷ trọng các sản phẩm ăn liền, giá trị gia tăng cao.
Đinh Chúc