Dự hội nghị có các đồng chí: Bùi Văn Nam, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Thanh, UVDKT.Ư Đảng, TVTU, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Bí thư Huyện ủy Yên Khánh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang, các thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng.
Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, tỉnh Ninh Bình có gần 17.000 người con đã anh dũng hy sinh được công nhận là liệt sỹ; có 345 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng; 14 người được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; hơn 7.900 người là thương binh; trên 6.900 người là bệnh binh; 4.716 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin đã được hưởng trợ cấp; có 2.551 thanh niên xung phong được hưởng chế độ ưu đãi; hơn 102.000 người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương; 849 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 32 gia đình có công giúp đỡ cách mạng và 740 người đã được công nhận là cán bộ lão thành cách mạng và tiền khởi nghĩa.
Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh thường xuyên quan tâm, tích cực tham gia các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa đối với những Người có công với cách mạng. Quán triệt và thực hiện nghiêm các chính sách ưu đãi Người có công như: Chỉ thị số 08-CT/T.Ư ngày 1-3-2002; Chỉ thị số 07-CT/T.Ư ngày 14-12-2006 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng và phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa" trong giai đoạn mới; Pháp lệnh về Danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng… Bảo đảm đúng, đủ và chi trả kịp thời các chế độ trợ cấp, chế độ ưu đãi cho các đối tượng theo quy định. Tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tích cực rà soát, hoàn thành việc xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi với người có công; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo ổn định đời sống các gia đình chính sách, góp phần phát triển KT - XH của địa phương.
Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Phạm Trường
Cùng với thực hiện chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, tỉnh ta tập trung đẩy mạnh phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa". Đến nay, phong trào đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu và đạt được những kết quả quan trọng. Điển hình như các phong trào: Chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, dạy nghề, tạo việc làm cho con em gia đình chính sách; đón thương binh về an dưỡng tại gia đình; xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm… đã phát huy được hiệu quả thiết thực.
Những hoạt động đền ơn, đáp nghĩa đã phần nào bù đắp sự hy sinh, mất mát của thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng…; từ hoạt động "Đền ơn, đáp nghĩa" đã xuất hiện nhiều địa phương, đơn vị, tổ chức có cách làm hay với những việc làm cụ thể, thiết thực để chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần cho Người có công với cách mạng. Đến nay, UBND tỉnh đã cấp bằng công nhận 145/146 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công.
Đáp lại sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chăm lo của toàn xã hội và thực hiện lời dạy của Bác Hồ "Thương binh tàn nhưng không phế", các thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng đã cố gắng phấn đấu, khắc phục khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. Nhiều thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công đã trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, có cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc. Tiêu biểu là 41 tấm gương thương binh, gia đình chính sách người có công đã được bình chọn từ cơ sở về tham dự Hội nghị biểu dương Người có công với cách mạng tiêu biểu tỉnh Ninh Bình năm 2012.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bùi Văn Nam, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tới các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang, các thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng. Đồng chí cũng ghi nhận và biểu dương những tấm gương người có công đã nỗ lực vượt qua khó khăn, nỗi đau thương tật, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Để làm tốt hơn nữa phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa", trong thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp, các ngành trong tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau: Quán triệt, triển khai kịp thời, thực hiện đồng bộ các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và an toàn xã hội vào thực hiện phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa"; kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, tổ chức, cá nhân làm tốt việc chăm lo cho thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công; khuyến khích, động viên và tạo điều kiện cho thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công tích cực tham gia các hoạt động xã hội, phát triển sản xuất, kinh doanh để ổn định và nâng cao đời sống, góp phần làm giàu cho gia đình, quê hương, đất nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách về người có công, thường xuyên làm tốt công tác giáo dục truyền thống cách mạng, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ để xây dựng ý thức, trách nhiệm và tích cực tham gia hưởng ứng phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa"; Chỉ đạo ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tích cực tham mưu thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công theo quy định; định kỳ tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác chính sách, nhất là cán bộ ở cơ sở.
Tại hội nghị, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đồng chí Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã trao Bằng khen cho 41 tấm gương người có công tiêu biểu và 4 tập thể có nhiều thành tích trong phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa"; giấy chứng nhận cho 9 xã, thị trấn làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa.
Thu Hằng