Chiều 19/8, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ trì hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục thảo luận, cho ý kiến vào "Ý tưởng quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050"; Đề án đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung tỉnh Ninh Bình và một số nội dung quan trọng khác.
Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Cùng dự có các đồng chí: Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến vào báo cáo "Ý tưởng Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, các đại biểu cho rằng ý tưởng đã bám sát tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, mang tính chiến lược, đảm bảo yêu cầu trước mắt và lâu dài.
Cơ bản đồng tình với phân tích của Liên danh tư vấn về đặc điểm, tình hình, tiềm năng, lợi thế, các mặt mạnh, yếu, thời cơ và thách thức của tỉnh, các đại biểu đề nghị ý tưởng cần nhấn mạnh tới 4 điểm mạnh chính của tỉnh, thể hiện sự khác biệt đó là về vị trí địa lý, di sản Tràng An, Cố Đô Hoa Lư và vùng biển; quan tâm nắm bắt các cơ hội gồm: kết cấu hạ tầng diện rộng được Chính phủ quan tâm đầu tư; định hướng Ninh Bình là trung tâm du lịch của vùng đồng bằng sông Hồng, của Quốc gia, có ý nghĩa quốc tế và có vai trò cầu nối giữa 3 vùng kinh tế- xã hội; và điểm yếu cần tháo gỡ như: chỉ số PCI thấp, mất cân đối trong cấu trúc lãnh thổ và ngành kinh tế du lịch chưa phát triển tương xứng với lợi thế; tỷ lệ đô thị hóa thấp.
Cơ bản đồng tình với quan điểm, mục tiêu tổng quát và các khâu đột phá chiến lược trong quy hoạch của tỉnh, một số đại biểu đề nghị cần bám sát quan điểm, mục tiêu đã nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, cần có dự báo tình hình phát triển trong nước và thế giới, xây dựng tỉnh Ninh Bình là điểm đến an toàn, thân thiện, đáng sống.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Về các kịch bản phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 gồm kịch bản trung bình với tốc độ tăng trưởng bình quân cả giai đoạn đạt 8,5% và kịch bản cao với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11%, các đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao với phương án 1, lý do phù hợp với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII và trong bối cảnh dịch bệnh COVID- 19 vẫn đang tác động tiêu cực tới toàn bộ đời sống kinh tế xã hội; đề nghị Liên danh tư vấn bổ sung thêm vào sau kịch bản các khâu đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; làm rõ sự khác nhau về phạm vi và chủng loại thu hút đầu tư giữa 2 kịch bản.
Các đại biểu cũng thống nhất với phương hướng phát triển và tổ chức không gian các ngành, lĩnh vực quan trọng; đề nghị cần bám sát quy hoạch ngành đã được phê duyệt, phải đảm bảo yếu tố tích hợp, hỗ trợ giữa các ngành, phải xác định cụ thể điểm nhấn và hướng đi từng ngành để từ đó hoạch định không gian vùng, lãnh thổ; tiếp tục thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp hiện có, mở rộng quy mô khu công nghiệp Kim Sơn, bổ sung định hướng xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; quy hoạch y tế, giáo dục, văn hóa. Quy hoạch vùng và lãnh thổ phải xác định sản phẩm đặc trưng và hướng đi đột phá để hoạch định trên cùng không gian lãnh thổ…
Thảo luận về đề án đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung tỉnh Ninh Bình, các đại biểu đều cho rằng hiện tại các công trình cơ quan thuộc tỉnh nằm phân tán trong phạm vi thành phố, nhiều công trình được xây dựng lâu năm đã xuống cấp, diện tích chật hẹp, không đáp ứng yêu cầu làm việc.
Chủ trương xây dựng khu hành chính tập trung của tỉnh là cần thiết và phù hợp với xu hướng phát triển chung, cần quyết tâm thực hiện để tạo sự phát triển đồng bộ hơn cho tỉnh cũng như đáp ứng các tiêu chí, lộ trình lên đô thị loại I, đảm bảo hiện đại hóa công sở, đẩy mạnh CCHC, phục vụ doanh nghiệp và người dân được tốt hơn.
Các đại biểu cũng đồng tình cao với quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư dự kiến của công trình, đồng thời đề nghị lựa chọn phương án bố trí tổng mặt bằng theo hướng thấp tầm để phù hợp với không gian cảnh quan khu vực và thuận tiện cho quản lý, sử dụng hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu kết luận 2 nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định "Ý tưởng quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050" là căn cứ khoa học, công cụ pháp lý quan trọng để hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển trong tương lai. Quy hoạch tỉnh sẽ đề ra định hướng, mục tiêu chiến lược, xác định động lực, không gian phát triển chung của tỉnh cũng như của mỗi ngành, lĩnh vực, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực hướng tới sự phát triển bền vững.
Đồng chí đề nghị thống nhất về nhận thức: việc lập quy hoạch là cơ hội lớn để xác định tầm nhìn, mục tiêu phát triển của tỉnh. Do vậy, cần tập trung nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, đồng chí giao cho Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn, đơn vị tư vấn tiếp thu, hoàn chỉnh ý tưởng quy hoạch. Trong đó phải xuất phát từ đặc điểm, điều kiện, thế mạnh của tỉnh, đảm bảo tính tổng thể đồng bộ giữa các ngành, giữa Trung ương với địa phương, đồng thời phải cân đối, huy động nguồn lực để triển khai; bám sát định hướng, tầm nhìn 5 năm, 10 năm tới đã được xác định trong văn kiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII để xây dựng.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị đơn vị tư vấn đầu tư nhiều hơn cho ý tưởng, cần có những đột phá, sắc sảo, mạnh dạn hơn, bổ sung căn cứ mang tính khả thi, dự báo tình hình trong bối cảnh dịch COVID- 19 và đặt trong mối liên kết vùng, bám sát chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, phương hướng phát triển đặc điểm riêng có, hiện có, lợi thế của tỉnh để xây dựng quy hoạch.
Đồng chí nhấn mạnh: Đây là nhiệm vụ trọng tâm cần sự tăng cường lãnh đạo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh cần xác định rõ trách nhiệm, các sở, ngành, địa phương tích cực tham gia đóng góp ý kiến, đặc biệt cần cung cấp cơ sở dữ liệu cho đơn vị tư vấn.
UBND tỉnh cần tổ chức nhiều hơn các hội nghị, hội thảo, tham vấn, phản biện của các các nhà khoa học, chuyên gia, trong nước và quốc tế để nâng cao chất lượng quy hoạch, đảm bảo tính khả thi.
Về Đề án đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung tỉnh Ninh Bình, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Đây là công trình quan trọng, cần thiết để đẩy mạnh CCHC, nâng cao chỉ số phát triển nói chung, cùng với cụm công trình bảo tàng, thư viện tạo điểm nhấn kiến trúc, không gian đô thị.
Vì vậy đồng chí đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hoàn thiện Đề án làm cơ sở báo cáo các Bộ, ngành Trung ương. Lưu ý trách nhiệm giải trình, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định, lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp phát huy hiệu quả của Dự án.
Chiều cùng ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã cho ý kiến vào các nội dung: phương án tự cân đối ngân sách của tỉnh; Kế hoạch sắp xếp lại, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước do UBND tỉnh làm đại diện chủ sở hữu giai đoạn 2021 - 2025; công tác thi đua khen thưởng và công tác tổ chức cán bộ.