Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí: Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh; đại biểu Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ban tổ chức Trung ương.
Đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trình bày Dự thảo Đề án tổng thể kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc khối nhà nước trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Theo đó mục tiêu đề ra là đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức.
Giảm mạnh tỷ trọng, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập để cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công và thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công.
Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công nhằm từng bước đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời xây dựng các chính sách ưu đãi thu hút các đơn vị thuộc các thành phần kinh tế khác tham gia cung cấp dịch vụ công.
Dự thảo Đề án cũng đưa ra 6 giải pháp chủ yếu, trong đó có việc làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng để tạo nhận thức và trách nhiệm cho các cấp, các ngành, cho cán bộ, công chức, viên chức và để tạo sự đồng thuận khi tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo tính công khai, dân chủ, minh bạch, công bằng, đúng pháp luật.
Đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện, phân rõ trách nhiệm cho từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là trách nhiệm và thẩm quyền của người đứng đầu trong việc thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy của các đơn vị sự nghiệp. Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động trong việc rà soát chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng đề án chi tiết trình cấp có thẩm quyền phê duyệt...
Thảo luận tại hội nghị các đại biểu thống nhất việc sắp xếp, kiện toàn, chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công sẽ phát huy nguồn lực của các thành phần kinh tế trong việc cung cấp dịch vụ công, nâng cao chất lượng dịch vụ cho xã hội, khai thác và sử dụng hiệu quả hơn cơ sở vật chất hiện có. Do vậy việc xây dựng Đề án là hết sức cần thiết. Đồng thời đề nghị bổ sung thêm một số nội dung ở phần căn cứ pháp lý xây dựng đề án; xem xét tên của các đơn vị sau sáp nhập, hợp nhất...
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thống nhất các ý kiến, trong đó nhấn mạnh đề án là sự cụ thể hóa các Nghị quyết của trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đây là vấn đề khó liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, vì vậy phải có lộ trình thực hiện cụ thể trong đó có tính toán đến phần tự chủ về tài chính theo từng phần, từng giai đoạn, từng đơn vị.
Đề nghị Sở LĐTBXH và Sở Nội vụ tiếp tục khảo sát để tham mưu cho BTV TU về đề án đổi tên, bổ sung chức năng, nhiệm vụ Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Tam Điệp thành Trung tâm Diều dưỡng-Chỉnh hình và Phục hồi chức năng người có công tỉnh Ninh Bình. Đối với việc sáp nhập các Trường Tiểu học, THCS trên cùng địa bàn xã cần tính toán cho phù hợp với điều kiện thực tế về số lượng học sinh trong những năm tới đây. Về tên gọi các đơn vị sau sáp nhập cần chú ý đảm bảo ngắn gọn, phù hợp...
Hội nghị cũng đã thảo luận và cho ý kiến vào báo cáo kết quả và dự thảo thông báo kết luận của các Đoàn giám sát của Ban thường vụ Tỉnh ủy về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 33 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa (XI) về "xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững" đối với Ban thường vụ huyện ủy Yên Mô, Đảng ủy Sở văn hóa và thể thao, Đảng đoàn Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh; công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng đối với Đảng ủy quân sự tỉnh.
Về nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị bổ sung thêm vào kết quả giám sát đối với Đảng ủy quân sự tỉnh một số ưu điểm đó là: Ninh Bình là tỉnh đầu tiên đề xuất tổ chức ngày hội Quốc phòng toàn dân ở khu dân cư; chất lượng các cuộc diễn tập những năm gần đây có nhiều tiến bộ; đã duy trì đều đặn và hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo phối hợp hoạt động vận động quần chúng xây dựng và bảo vệ tổ quốc tỉnh.
Đồng thời bổ sung vào Thông báo nội dung yêu cầu nâng cao chất lượng sẵn sàng chiến đấu, quan tâm nâng cao thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân; chất lượng huấn luyện dự bị động viên và dân quân tự vệ; quan tâm đến công tác an ninh tư tưởng trên môi trường mạng.
Đối với Đảng đoàn Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh đề nghị bổ sung yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hội các cấp, là tấm gương sáng để hội viên phụ nữ noi theo; quan tâm thu hút phụ nữ trẻ vào tổ chức hội, giáo dục văn hóa-đạo đức cho trẻ em gái.
Đối với Sở Văn hóa và Thể thao, cần quan tâm phát triển văn hóa truyền thống như hát chèo, hát xẩm, múa rối nước; tăng cường phối hợp với Đoàn Thanh niên, Sở Giáo dục trong việc tổ chức Liên hoan văn nghệ, hát chèo; quan tâm đến việc biểu dương khu dân cư tiên tiến kiểu mẫu, gia đình văn hóa.
Cũng trong chương trình làm việc, hội nghị đã tiến hành công tác cán bộ.
Đào Duy- Thế Minh