Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh ủy; đại diện các Ban xây dựng Đảng của Trung ương; Sở Văn hóa thể thao; Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh.
Hội nghị đã nghe đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày Dự thảo Kế hoạch tổ chức kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt 968-2018. Theo đó, việc tổ chức kỷ niệm nhằm khẳng định vị trí, vai trò và giá trị lịch sử to lớn của sự kiện Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, lập nên nước Đại Cồ Việt- Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc; tuyên truyền, giáo dục sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân về truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc;
Tạo không khí vui tươi, phấn khởi, cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân trong tỉnh ra sức thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI; quảng bá tiềm năng, thế mạnh, những nét văn hóa đặc sắc, những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng về đất và người cố đô Hoa Lư-Ninh Bình nói riêng, Việt Nam nói chung.
Lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2018) và khai mạc Lễ hội Hoa Lư 2018 được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, dự kiến vào tối ngày 24/4/2018 (tức ngày 9/3 âm lịch) tại sân Lễ hội khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư (xã Trường Yên, Hoa Lư).
Nội dung gồm 2 phần: phần nghi lễ và chương trình nghệ thuật chào mừng với chủ đề dự kiến là "Hành trình 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt trong dòng chảy lịch sử dân tộc". Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, Đài PT-TH Ninh Bình và một số đài địa phương.
Cùng với đó, trong dịp này nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật và lễ hội quan trọng khác được tổ chức như: chương trình nghệ thuật đêm giao thừa "Tết quê hương"; xây dựng phim tài liệu về Ninh Bình; đăng cai tổ chức Triển lãm tranh cổ động tấm lớn; xuất bản các cuốn sách "Đinh Tiên Hoàng đế người mở đầu nền thống nhất quốc gia","Kinh tế xã hội tỉnh Ninh Bình 3 năm đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020"… Tỉnh cũng sẽ khởi công, khánh thành một số công trình trọng điểm; mỗi huyện, thành phố lựa chọn 1-2 công trình trọng điểm thuộc các nguồn vốn để khởi công, khánh thành chào mừng kỷ niệm.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đồng tình cao về ý nghĩa, vai trò quan trọng của sự kiện này. Đồng thời đóng góp ý kiến về việc tăng cường công tác tuyên truyền với nội dung phù hợp, hình thức đa dạng, phong phú xứng tầm vị trí, vai trò và giá trị lịch sử to lớn của sự kiện.
Đặc biệt là tổ chức hội thảo khoa học "Vị trí và vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt-Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầy đủ đầu tiên của Việt Nam trong tiến trình lịch sử dân tộc"; gắn các hoạt động kỷ niệm, lễ hội với các hoạt động thương mại, du lịch nhưng phải đảm bảo phát huy được giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc, trong đó chú trọng giới thiệu các bảo vật quốc gia, các di tích có liên quan đến Nhà nước Đại Cồ Việt…;
Cùng với việc tổ chức các nghi lễ truyền thống, các trò chơi dân gian mang đặc trưng của địa phương, cần bổ sung thêm nhiều hoạt động phù hợp khác tạo sự phong phú, hấp dẫn của lễ hội. Một số ý kiến cũng lưu ý: trong dịp này sẽ diễn ra nhiều hoạt động với thời gian khá dài vì vậy từng khâu trong quá trình tổ chức cần được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ, khoa học; đồng thời để phục vụ du khách, phục vụ nhân dân tốt hơn các cơ quan chức năng cần tiến hành rà soát quy mô, chất lượng của các nhà hàng, khách sạn, các điểm vui chơi, giải trí trên địa bàn, củng cố một số tua tuyến du lịch,…
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thống nhất ý kiến của các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh ủy, đồng thời nhấn mạnh: Đây là sự kiện rất quan trọng của tỉnh trong năm 2018 và là cơ hội để Ninh Bình quảng bá tiềm năng, thế mạnh về KT-XH, về những nét văn hóa đặc sắc, những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của địa phương.
Các hoạt động kỷ niệm sẽ diễn ra trong cả năm 2018, do vậy đề nghị bổ sung thêm vào kế hoạch một số nội dung, nhất là về các hoạt động du lịch như tuần lễ du lịch với chủ đề "sắc vàng Tam Cốc"; hoàn thiện cơ sở vật chất, chỉnh trang cảnh quan không gian ở khu di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư, huyện Hoa Lư, thành phố Ninh Bình…
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý: điểm nhấn của sự kiện này chính là lễ kỷ niệm1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt, vì vậy cần quan tâm đến chương trình sân khấu hóa, chú trọng nâng tầm về quy mô và chất lượng; cách thức tổ chức phải khoa học, bài bản, chu đáo, huy động sự tham gia tích cực của các huyện, thành phố.
Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền, đôn đốc việc tổ chức Hội thảo khoa học vào đầu tháng 4, từ đó có thêm dữ liệu, tài liệu từ các nhà khoa học có uy tín.
Các đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến đại biểu đối với một số nội dung khác để bổ sung, hoàn thiện kế hoạch.
Đào Duy