Cùng dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện Ban Tổ chức Trung ương; Văn phòng Trung ương; Bộ CHQS tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; lãnh đạo huyện Yên Khánh.
Hội nghị đã cho ý kiến đối với dự thảo 3 chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về: Nhiệm vụ công tác quốc phòng, quân sự địa phương năm 2017; về nhiệm vụ công tác an ninh, trật tự năm 2017 và về nhiệm vụ công tác biên phòng năm 2017.
Tại hội nghị, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều nhất trí với các nội dung của dự thảo và thống nhất thông qua 3 chỉ thị.
Đóng góp ý kiến đối với dự thảo Chương trình kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy năm 2017, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều nhất trí với dự thảo Chương trình.
Năm 2017, các chương trình kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được tăng cường hơn so với năm 2016 bởi đây là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI.
Công tác kiểm tra, giám sát phải phục vụ trực tiếp, thường xuyên cho sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy. Các cuộc kiểm tra, giám sát phải có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh.
Bên cạnh đó, các ý kiến bổ sung vào dự thảo Chương trình cũng quan tâm một số vấn đề: quan tâm công tác kiểm tra việc thực hiện Quyết định số 140-QĐ/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy; Nghị quyết số 05-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về lĩnh vực nông nghiệp, bổ sung thêm đối tượng kiểm tra là đơn vị huyện Gia Viễn; quan tâm giám sát lĩnh vực điều động, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ; sắp xếp lịch kiểm tra, giám sát sao cho phù hợp việc thực hiện nhiệm vụ của mỗi địa phương, đơn vị.
Nghe dự thảo Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Ninh Bình (1/4/1992-1/4/2017), các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều nhất trí việc tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh.
Việc tổ chức lễ kỷ niệm và thông qua các hoạt động kỷ niệm nhằm ôn lại truyền thống và khơi dậy niềm tin tưởng, tự hào trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về truyền thống lịch sử, cách mạng, văn hóa của quê hương và con người Ninh Bình.
Qua đó tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, truyền thống cách mạng của quê hương. Đồng thời, quảng bá, giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế về tiềm năng, thế mạnh kinh tế- xã hội, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa của Ninh Bình nhằm thu hút đầu tư, khách tham quan trong và ngoài nước.
Ghi nhận và khẳng định những thành tựu to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình đã đạt được trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa- xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng hệ thốn chính trị trong 25 năm qua. Cổ vũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân ra sức phấn đấu xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng quan tâm đến một số vấn đề: quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lễ kỷ niệm từ sớm; quy mô tổ chức lễ kỷ niệm sao cho phù hợp với điều kiện của tỉnh; các công trình chào mừng cần quan tâm đến tính khả thi, tính toán các công trình chào mừng tạo khí thế và phù hợp, mỗi huyện, thành phố nên lựa chọn từ 1-2 công trình trọng điểm…
Kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thống nhất ý kiến các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều nhất trí cao quan điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh, tiến tới kỷ niệm 1.050 năm thành lập Nhà nước Đại Cồ Việt với tinh thần tiết kiệm, thiết thực, tổ chức đúng tầm, không tốn nhiều thời gian và chi phí.
Đồng thời, việc tổ chức lễ kỷ niệm cần quan tâm một số nội dung: thống nhất mốc thời gian tổ chức các hoạt động kỷ niệm từ 1/1 đến 30/4/2017, riêng lễ kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh chọn đúng ngày 1/4; việc mời đại biểu, quan tâm các thành phần cho phù hợp; lựa chọn đại biểu thế hệ trẻ để phát biểu cảm tưởng tại lễ kỷ niệm cần quan tâm lựa chọn thế hệ trẻ tiêu biểu trong học tập, công tác, sinh đúng năm tái lập tỉnh 1992.
Đối với các công trình chào mừng, quan tâm các công trình khởi công, khánh thành; thành lập Ban tổ chức lễ kỷ niệm, lên kế hoạch chi tiết để thực hiện đảm bảo đúng tiến độ, việc tổ chức phát động thi đua nên tổ chức ngay từ tháng 1/2017, có sự kết hợp với các sự kiện, hoạt động của tỉnh.
Đối với dự thảo báo cáo của Ban chỉ đạo về việc thực hiện chủ trương thí điểm sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách hành chính tỉnh, báo cáo được xây dựng cụ thể chi tiết đối với từng chức danh tại 2 đơn vị làm thí điểm là thành phố Ninh Bình và huyện Yên Khánh.
Cho ý kiến về nội dung này, các đại biểu đều nhất trí việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách hành chính là việc làm cần thiết, phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Bên cạnh đó, các đại biểu lưu ý việc thí điểm sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế cần được thực hiện trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Tùy tình hình từng đơn vị để triển khai linh hoạt, dân chủ, tăng hiệu quả công việc, tăng hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhưng phải giảm chi từ ngân sách nhà nước, giảm đầu mối mới thực sự có hiệu quả.
Các đại biểu cũng đồng tình với phương án hỗ trợ đối với những người nghỉ công tác từ việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Riêng Thành ủy Ninh Bình đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý với chủ trương của thành phố Ninh Bình về việc nhất thể hóa chức danh bí thư kiêm tổ trưởng tổ dân phố, trước mắt sẽ thực hiện thí điểm tại 5 phường, xã trên địa bàn.
Kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thống nhất ý kiến các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều đánh giá cao sự nỗ lực của 2 đơn vị thí điểm là thành phố Ninh Bình và huyện Yên Khánh đã tích cực vào cuộc, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận về nhận thức và hành động, đồng thời đã khảo sát xây dựng đề án khá chi tiết, cụ thể tới từng chức danh.
Đối với đề xuất của thành phố Ninh Bình, là đơn vị thí điểm đi đầu, cần làm gọn đầu mối nhưng căn cứ vào thực tế ở từng địa phương, đơn vị. Tập trung vào 3 chức danh chính ở các thôn, xóm là bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, tổ phó tổ dân phố kiêm công an, đây là 3 chức danh bán chuyên trách đang hưởng chế độ phụ cấp theo Nghị định 121 sẽ kiêm thêm các chức danh khác cho gọn bộ máy.
Thành phố nên lựa chọn đơn vị làm điểm "nhất thể hóa" theo 3 phương án là: chức danh bí thư kiêm trưởng phố, hoặc bí thư kiêm trưởng ban công tác mặt trận và thực hiện khoán kinh phí, sau thời gian thực hiện thí điểm sẽ rút ra phương án hiệu quả tối ưu.
Về việc nâng cấp trung tâm 1 cửa liên thông thành phố Ninh Bình theo hướng hiện đại, nhất trí quan điểm điều tiết trong tổng biên chế của UBND thành phố, chứ không tăng thêm biên chế.
Sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến, các huyện và các xã tiến hành rà soát lần nữa trên tinh thần linh hoạt giữa việc chọn người, và người chọn việc, tạo sự đồng thuận, cố gắng gọn các chức danh và không bị mâu thuẫn giữa các chức danh.
Sau thời gian triển khai làm điểm tiến hành sơ kết đánh giá, trước khi nhân diện rộng sẽ báo cáo với các cấp có thẩm quyền để điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Thống nhất quan điểm, những chức danh nào nghỉ đều có hỗ trợ, tuy nhiên mức hỗ trợ là bao nhiêu thì cần phải tính toán hợp lý, không vượt quá khả năng của ngân sách nhà nước.
Sau khi thực hiện đề án, số tiền tiết kiệm được do giảm chi ngân sách phải nộp về ngân sách, không để lại cho địa phương, để việc tinh giảm biên chế và sắp xếp bộ máy thực sự mang lại hiệu quả nhất định.
Tiếp đó, hội nghị đã tiến hành nội dung về công tác cán bộ.
Phan Hiếu