Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Ban Tổ chức Trung ương; Văn phòng Trung ương Đảng; các đồng chí trong Ban TVTU; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Về dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2016-2020, các đại biểu nhất trí với kết cấu, nội dung dự thảo Nghị quyết nhằm mục tiêu đảm bảo mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, mở rộng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng.
Người dân được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần, giảm tỷ lệ mắc bệnh tật, nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ, nâng cao chất lượng dân số.
Quan tâm đến 7 nhiệm vụ trọng tâm, 9 nhóm giải pháp để thực hiện Nghị quyết, các ý kiến đề nghị làm rõ thêm các nội dung: phải có số liệu thống kê cụ thể của từng chỉ tiêu để từ đó so sánh, xác định chính xác mục tiêu phấn đấu về tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em dưới 1 tuổi, về tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, về số giường bệnh/dân, tỷ lệ bác sĩ/trạm y tế...
Đối với các giải pháp thực hiện Nghị quyết, đề nghị bổ sung thêm các giải pháp về việc nâng cao y đức của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế; giải pháp để ngành y tế thực hiện việc tuyển dụng, bố trí bác sĩ về làm việc tại trạm y tế xã, phường, thị trấn; việc quản lý quỹ BHYT, chất lượng khám chữa bệnh để tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ đối với cơ sở y tế công lập; liên doanh, liên kết lĩnh vực y tế chất lượng cao...
Kết luận nội dung thảo luận dự thảo Nghị quyết về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thống nhất các ý kiến đóng góp cơ bản đồng tình với dự thảo và bổ sung thêm một số nội dung: về bố cục, tên gọi của dự thảo Nghị quyết, sửa đổi là "Tăng cường công tác lãnh đạo về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2016-2021, định hướng đến năm 2025"; bổ sung thêm quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác y tế; phần nhiệm vụ, giải pháp cần sắp xếp bố cục hợp lý, khái quát, bổ sung thêm nội dung khẩn trương ổn định bộ máy theo Nghị định 51 của Chính phủ, đẩy mạnh cơ chế tự chủ tài chính của các cơ sở y tế công lập, xây dựng văn hóa bệnh viện, an toàn bệnh viện; đối với một số chỉ tiêu cụ thể, bổ sung thêm một số chỉ tiêu có tính chất pháp lệnh, cơ bản của ngành y tế để thấy được tính khả thi của các chỉ tiêu; bổ sung thêm phần tồn tại, hạn chế, nhất là nội dung về công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao y đức cho đội ngũ cán bộ nhân viên y tế chưa thường xuyên và thiếu giải pháp cơ bản...phần tổ chức thực hiện nên viết lại thành 1 ý.
Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện dự thảo để Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết.
Về Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035: đơn vị tư vấn là Viện Năng Năng lượng, Bộ Công thương trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá thực trạng, dự kiến phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và quy hoạch các ngành liên quan, đánh giá đề án đã giải quyết được các vấn đề còn tồn tại của lưới điện tỉnh Ninh Bình.
Sau quy hoạch sẽ mang lại những lợi ích như: đảm bảo độ dự phòng công suất trên lưới điện 220kV, 110kV ít nhất 25% theo quy định; đảm bảo nguồn cấp cho phụ tải của tỉnh, luôn đảm bảo lưới điện vận hành an toàn ổn định trong chế độ sự cố (N-1); tăng cường khả năng cấp của lưới điện phân phối trung áp để có thể hỗ trợ cấp điện lẫn nhau trong các trường hợp sự cố, cải tạo lưới điện phân phối 10kV tỉnh sang cấp điện áp 22kV giảm tổn thất điện năng, nâng cao chất lượng điện năng đến từng hộ phụ tải, từng bước quy chuẩn điện áp lưới điện về điện áp tiêu chuẩn 35kV và 22kV.
Các ý kiến đồng ý với quy hoạch và đánh giá quy hoạch là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, phải đảm bảo phục vụ được hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; quy hoạch phải đảm bảo đồng bộ, hiện đại...
Cho ý kiến về nội dung này, sau khi có các ý kiến thống nhất của các đồng chí trong Ban TVTU, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kết luận: Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035 là quy hoạch thiết yếu liên quan thiết thực đến việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Qua nghiên cứu quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, nhận thấy đơn vị tư vấn đã tuân thủ quy định của Luật Điện lực, nội dung trình tự và lập quy hoạch phát triển điện lực do Bộ Công thương ban hành, bám sát yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Đồng thời, hoạch định quy hoạch đã tính đến thực tiễn của Ninh Bình trong sử dụng điện lực, đưa ra được các phương án có tính khả thi. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chọn phương án 3 là phương án tối ưu chi phí, hiệu quả kỹ thuật, sẽ thực hiện trong 2 giai đoạn: giai đoạn 1 sẽ xây dựng trạm 220kV tại khu vực xã Khánh Phú, Yên Khánh và giai đoạn 2 sẽ xây dựng trạm 220kV tại khu vực xã Gia Tân, Gia Viễn.
Do đó, đề nghị UBND tỉnh, Sở Công thương chỉ đạo thêm một số nội dung để đơn vị tư vấn điều chỉnh, hoàn thiện quy hoạch: lưu ý việc xác định diện tích đất để đảm bảo việc sử dụng đất tiết kiệm nhất, chú ý đến không gian đảm bảo cho việc phát triển du lịch của tỉnh; các phụ tải lớn, dự án công nghiệp lớn phải quan tâm công tác dự báo sát với tình hình hiện tại và những năm sau; cân nhắc kỹ lại lộ trình đưa Công ty nhiệt điện Ninh Bình ra khỏi quy hoạch lưới điện.
Về báo cáo của UBND tỉnh về việc đề xuất nội dung hỗ trợ hạ tầng cụm công nghiệp Cầu Yên: Tại Thông báo số 257-TB/TU ngày 16-4-2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đồng ý xác định 20 ha đất đã quy hoạch của cụm công nghiệp Gia Vân giao cho Công ty CP Đầu tư phát triển khu công nghiệp quốc tế làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh, khai thác, bảo trì đối với 20ha đất với mục tiêu xây dựng một cụm công nghiệp sạch, kiểu mẫu dùng để thu hút các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử.
Nhà đầu tư đã khảo sát, lập quy hoạch và UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, nhất là về công tác giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng cho các nhà đầu tư thứ cấp, bỏ lỡ cơ hội thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch và hiệu quả kinh tế cao của tỉnh.
Để tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, sớm có quỹ đất sạch, có đủ cơ sở hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư sản xuất các sản phẩm hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô, UBND tỉnh đề xuất điều chỉnh vị trí cụm công nghiệp từ khu đất 20 ha cụm công nghiệp Gia Vân, Gia Viễn về cụm công nghiệp Cầu Yên, phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình và xây dựng cơ chế hỗ trợ theo hướng đảm bảo tổng giá thuê đất và hạ tầng của nhà đầu tư thứ cấp tại cụm công nghiệp Cầu Yên tương đương với tổng giá thuê đất và hạ tầng tại cụm công nghiệp Gia Vân.
Các đồng chí trong Ban TVTU đều nhất trí với đề xuất của UBND tỉnh, đồng thời đề nghị thực hiện thí điểm các chính sách hỗ trợ hạ tầng tại cụm công nghiệp Cầu Yên, tiến tới rút kinh nghiệm áp dụng cho các khu, cụm công nghiệp khác đáp ứng đủ các tiêu chuẩn tương tự cụm công nghiệp Cầu Yên; xem xét, có chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư lớn, có đóng góp cao cho ngân sách của tỉnh...
Về nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: cụm công nghiệp Cầu Yên là cụm công nghiệp nằm trong quy hoạch các khu, cụm công nghiệp của tỉnh.
Để tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, đồng thời để giữ cam kết và uy tín với nhà đầu tư, đồng tình với đề xuất của UBND tỉnh về việc hỗ trợ hạ tầng cụm công nghiệp Cầu Yên bằng các công trình hạ tầng, trong đó xác định giá đất tương đương nhau khi chuyển từ cụm công nghiệp Gia Vân về cụm công nghiệp Cầu Yên để tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Thực hiện chế độ tỉnh quản lý theo đúng quy định của pháp luật, không tính giá công trình cho các nhà đầu tư thứ cấp.
Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, xem xét, xây dựng cơ chế chính sách đối với các khu, cụm công nghiệp trong thời gian tới, xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm hiểu cơ hội, tiến tới đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
Tại hội nghị, Ban TVTU cũng cho ý kiến đối với báo cáo công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh lần thứ XII nhiệm kỳ 2016-2021 và công tác thi đua- khen thưởng.
Phan Hiếu