Ngay khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Đề án XKLĐ vào ngày 13/12/2017, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn các huyện, thành phố khẩn trương hoàn thành việc kiện toàn, thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện Đề án XKLĐ cấp huyện và xã, trong đó phân công cụ thể thành viên trong BCĐ phụ trách từng địa bàn cụ thể để thuận tiện trong việc đôn đốc triển khai thực hiện các nội dung của Đề án.
Trên cơ sở đó, UBND các xã, thị trấnchỉ đạo các thôn, xóm, tổ dân phố hàng quý rà soát, bình xét hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại địa bàn và rà soát bổ sung trong trường hợp chưa đến thời gian định kỳ rà soát những người lao động có nhu cầu đi XKLĐ và có đơn đề nghị, lập danh sách, biên bản bình xét, báo cáo UBND cấp xã… Sở Lao động Thương binh và Xã hội cũng tính toán các chỉ tiêu xuất khẩu lao động trong năm 2018.
Theo đó, trong năm 2018, toàn tỉnh phấn đấu sẽ đưa 1400 lao động đi xuất khẩu, trong đó 1000 lao động là chỉ tiêu chung và 400 lao động là chỉ tiêu của Đề án. Sở Lao động Thương binh và Xã hội cũng đã xây dựng phiếu khảo sát nhu cầu xuất khẩu lao động, các mẫu danh sách, quy trình bình xét hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, quy định cụ thể đối tượng thuộc Đề án, hướng dẫn các huyện, thành phố chỉ đạo các xã tổ chức rà soát lập danh sách, hướng dẫn người lao động điền các phiếu khảo sát nhu cầu XKLĐ gửi về Sở Lao động Thương binh và Xã hội để phối hợp với doanh nghiệp thực hiện công tác tạo nguồn và tuyển chọn người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Ngoài ra, Sở Lao động Thương binh và Xã hội cũng đã làm việc và lựa chọn ra 5 doanh nghiệp được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đây là những đơn vị có uy tín, có đơn hàng phong phú tại các thị trường chính là Nhật Bản và Đài Loan, phù hợp với nhu cầu xuất khẩu lao động của tỉnh tham gia thực hiện Đề án.
Tại hội nghị, các thành viên Ban chỉ đạo đã thẳng thắn trao đổi, làm rõ những khó khăn phát sinh từ thực tiễn trong quá trình triển khai thực hiện Đề án để tìm phương án tháo gỡ phù hợp.
Kết luận tại hội nghị, đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo XKLĐ cùa tỉnh khẳng định: Những năm qua, mặc dù có nhiều cố gắng song công tác XKLĐ ở tỉnh ta vẫn chưa xứng với tiềm năng lao động thực tế. Bởi vậy. với việc triển khai thực hiện Đề án số 12 được coi là cú "hích" mạnh mẽ, tạo ra bước đột phá trong XKLĐ.
Năm 2018 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Đề án số 12 của UBND tỉnh về xuất khẩu lao động (XKLĐ) với mục tiêu sẽ đưa được 1400 lao động đi xuất khẩu, trong đó có 400 lao động là các đối tượng thuộc Đề án. Để hoàn thành được chỉ tiêu này và quan trọng hơn nữa là để Đề án số 12 sớm đi vào cuộc sống, thực sự trở thành cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu cho hàng ngàn lao động địa phương thìcác cấp, các ngành, các đơn vị phải khẩn trương, tích cực vào cuộc, nhất là ở những địa phương có kết quả rà soát còn thấp.
Công tác tuyên truyền cần được quan tâm hơn nữa với nhiều hình thức đa dạng để những thông tin chính về Đề án số 12 được lan tỏa tới mọi thôn, xóm và tới mọi người dân. Đài PT-TH tỉnh, Báo Ninh Bình tăng cường thông tin tuyên truyền nội dung chính sách của tỉnh vê XKLĐ và nội dung đề án số 12.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Ngân hàng CSXH xem xét, nâng mức cho vay cho người đi XKLĐ ở những thị trường cao; Sở Lao động Thương binh và Xã hội cần rà soát, xem xét để giảm bớt các thủ tục nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động khi đăng ký tham gia XKLĐ;
Ngoài 5 doanh nghiệp được lựa chọn, cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp có đủ năng lực khác cùng tham gia đưa lao động tỉnh Ninh Bình đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Đào Hằng- Minh Quang