Hội nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh
Thứ Hai, 27/12/2021, 01:59
Zalo
Sáng 27/12, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá công tác phòng, chống dịch trong tỉnh thời gian qua và thống nhất triển khai một số biện pháp thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tiếp theo.
Hội nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh
Đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ tỉnh chủ trì hội nghị.
Cùng dự có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh; các đồng chí trong BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh; lãnh đạo các Bệnh viện, Trung tâm y tế các huyện, thành phố trong tỉnh...
Theo báo cáo của ngành Y tế, đến ngày 26/12, tại Ninh Bình đang điều trị cho 442 ca bệnh COVID-19, tại 10 cơ sở y tế trong tỉnh. Toàn tỉnh có 16 ổ dịch đang hoạt động, với 292 ca bệnh. Trong đó, các huyện Yên Mô, Gia Viễn và Kim Sơn ghi nhận số ổ dịch và ca bệnh liên tục tăng, với hàng trăm ca bệnh đã xác định.
Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho đối tượng trên 18 tuổi đang có mặt tại Ninh Bình mũi 1 đạt 94,43%, đủ 2 mũi đạt 88,43%, mũi 3 đạt 1,04%. Tiêm cho nhóm đối tượng trong độ tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi, mũi 1 đạt 98,5%, đủ 2 mũi đạt 93,7%...
Thời gian qua, ngành Y tế đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tuyên truyền, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Tuy nhiên, do việc nới lỏng giãn cách, nhiều trường hợp từ các tỉnh, thành phố về Ninh Bình đã không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực làm lây lan dịch bệnh và hình thành các ổ dịch trong cộng đồng, có nguy cơ ngày càng lan dịch rộng ở nhiều huyện, thành phố trong tỉnh.
Ngành Y tế nhận định, diễn biến dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh hiện tương đối phức tạp. Các ca bệnh trong cộng đồng đều có nguồn lây từ các địa phương đang có dịch, chủ yếu từ Hà Nội về. Việc di biến động dân cư lớn, giao thương nhiều, dẫn đến việc dịch lây lan trong cộng đồng nhanh và rộng, có khoảng 50-70 ca/ngày.
Dự kiến thời gian tới dịch càng có nguy cơ gia tăng, có thể tới hàng trăm ca/ngày và sẽ xuất hiện thêm nhiều ổ dịch mới do hiện đang là dịp cuối năm, nhu cầu giao lưu, đi lại, về quê của người dân tăng cao...
Tại hội nghị, các đại biểu đã phát biểu trao đổi, thảo luận, chia sẻ những khó khăn, bất cập, còn gặp khó trong công tác phòng chống dịch tại các địa phương, tập trung vào các nội dung như: Việc xét nghiệm PCR rất chậm, có thời điểm 3-4 ngày chưa có kết quả, gây khó khăn cho công tác cách ly, khoanh vùng, dập dịch; số liệu tiêm phòng vắc xin của tỉnh cập nhật trên hệ thống tiêm chủng quốc gia chưa khớp, còn chênh lệch; việc chi trả, hỗ trợ cho các đối tượng, người dân thực hiện cách ly y tế tập trung, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; vấn đề phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục; lực lượng công an cần quyết liệt trong việc đảm bảo an ninh trật tự, kiểm soát dịch thời điểm hiện nay...
Cùng với đó, nhiều ý kiến thống nhất, cần tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát dịch, yêu cầu khai báo y tế đối với người từ các địa phương về Ninh Bình, riêng người về từ vùng dịch, địa phương có yếu tố dịch tễ phức tạp, cần có kết quả xét nghiệm âm tính; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng mũi 3 cho các trường hợp nguy cơ cao; thường xuyên đánh giá cấp độ dịch, tại cấp xã theo hàng ngày để có các phương án phòng chống dịch phù hợp; hạn chế các hoạt động tập trung đông người; nâng cao công tác phòng chống dịch trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp; chuẩn bị nguồn lực, cơ sở vật chất điều trị các ca F0, tính toán cách ly F1 tại nhà nếu đủ các điều kiện; tình trạng gặp khó khăn về test, kít, hóa chất sinh phẩm trong công tác phòng, chống dịch hiện nay...
Kết luận hội nghị, đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ tỉnh Ninh Bình khẳng định, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đang có những diễn biến rất phức tạp, với nhiều ca bệnh và ổ dịch lây lan rộng trong cộng đồng, đặc biệt tại một số địa phương như Yên Mô, Gia Viễn, Kim Sơn... đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, toàn diện của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; có sự phối hợp, hỗ trợ giữa các lực lượng, địa phương trong công tác kiểm tra, kiểm soát, truy vết, khoanh vùng, cách ly, nhanh chóng khống chế các ổ dịch.
Đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị... cần tập trung vào một số biện pháp quan trọng trong công tác phòng chống dịch thời điểm hiện nay. Đó là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nắm bắt di biến động dân cư, đặc biệt người về từ vùng dịch, trong đó chú ý người từ Hà Nội về.
Tuyên truyền người dân tuân thủ nghiêm quy định 5K trong tất cả các hoạt động, sinh hoạt tập thể. Tự giác khai báo y tế hoặc trình báo việc người khác đi từ tỉnh có dịch về để chính quyền địa phương quản lý.
Tăng cường làm xét nghiệm sàng lọc diện rộng, đặc biệt chú ý các đối tượng có yếu tố dịch tễ hoặc có các triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19, nhất là người từ Hà Nội về. Mở rộng dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 tại các cơ sở y tế trong và ngoài công lập, học sinh trong các nhà trường, trên cơ sở đảm bảo an toàn, chống lây nhiễm chéo tại khu vực lấy mẫu. Khuyến khích các tổ chức và người dân tự làm xét nghiệm test nhanh kháng nguyên, nếu có nghi ngờ dương tính thông báo cho cơ sở y tế trên địa bàn để lấy mẫu làm xét nghiệm khẳng định.
Lực lượng Công an, ngành Y tế là thường trực và chủ đạo, phối hợp chặt chẽ với các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương xác định rõ, giai đoạn hiện nay là dịp cuối năm, nhu cầu giao lưu, đi lại, về quê của người dân tăng cao, có nhiều hoạt động tập trung đông người, nguy cơ dịch bệnh bùng phát từ các sự kiện này rất cao, do đó cần phải tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát, quản lý, hướng dẫn chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch, không để phát sinh thêm các ổ dịch mới, lây lan dịch bệnh rộng trong cộng đồng.
Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3 cho các đối tượng nguy cơ cao; rà soát và tổ chức tiêm chủng lưu động để tiêm tại gia đình cho các đối tượng già, yếu, khó khăn không đến được các cơ sở tiêm chủng. Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trong nhà trường, có phương án dạy học trực tuyến khi xuất hiện dịch phải tạm thời nghỉ học...
Cùng với đó, ngành Y tế phải đảm bảo có đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế trong phòng chống dịch và có phương án điều trị bệnh nhân COVID-19, cách ly, điều trị các trường hợp F0, F1 phù hợp với từng thời điểm, diễn biến của dịch...
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương, nhất là các huyện đang có nhiều ca bệnh và ổ dịch, phát huy cao nhất vai trò của người đứng đầu, tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch, không chủ quan, lơ là, đặc biệt không có tâm lý buông xuôi, khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, không để lây lan rộng ra toàn tỉnh.
Trong quá trình thực hiện, nếu có những khó khăn, bất cập, cần báo cáo lãnh đạo tỉnh, BCĐ phòng, chống dịch tỉnh, các sở, ngành liên quan để có phương án chỉ đạo, triển khai, tháo gỡ kịp thời, mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo tính mạng, sức khỏe cho người dân.