Dự hội thảo có các đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của tỉnh; Đinh Quốc Trị, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Phạm Hồng Quang, TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; GS.TS Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, Thành viên Ủy ban sửa đổi Hiến pháp 1992. Dự hội thảo còn có các chuyên gia pháp lý đến từ Trường Đại học luật; Học viện Hành chính Quốc gia; Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Ngoại thương; đại diện Hội Luật gia các tỉnh phía Bắc.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã nhiệt liệt chào mừng các vị đại biểu về dự hội thảo và thông báo một số nét khái quát về vị trí địa lý, tiềm năng và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Ninh Bình.
Đồng chí khẳng định, việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân.
Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành Thông tri số 13 yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân từ tỉnh đến cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, đồng thời thành lập Ban chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên địa bàn tỉnh.
Ban chỉ đạo tỉnh đã xây dựng kế hoạch và nhanh chóng triển khai các bước tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và bước đầu đạt kết quả tốt.
Đồng chí cũng bày tỏ tin tưởng rằng, hội thảo khoa học được tổ chức tại Ninh Bình lần này thực sự là diễn đàn để nhà khoa học, chuyên gia pháp lý và giới luật gia phía bắc cùng nhau trao đổi, thảo luận, góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chúc hội thảo thành công tốt đẹp, hy vọng rằng cảnh sắc và con người Ninh Bình sẽ để lại ấn tượng và tình cảm tốt đẹp đối với các đại biểu.
Hầu hết các ý kiến tại hội thảo đều bày tỏ đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm tiếp tục khẳng định bản chất nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.
Các Chương, Điều của Dự thảo Hiến pháp sửa đổi được sắp xếp lại một cách khoa học, hợp lý, nội dung các điều ngắn gọn, dễ hiểu, mang tính kế thừa cao. Việc sửa đổi lần này đã tổng kết và kế thừa những giá trị của các bản Hiến pháp trước đây, bổ sung được nhiều điều mới, nhất là quyền con người được thừa nhận một cách đầy đủ, thể hiện Đảng và Nhà nước ta luôn đặt con người ở vị trí trung tâm của các chính sách kinh tế - xã hội.
Các ý kiến thảo luận tại hội thảo đã góp ý sâu vào các nội dung liên quan đến lời nói đầu; chủ quyền nhân dân; quyền con người, quyền công dân; các thành phần kinh tế; sở hữu đất đai; chính quyền địa phương; Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia; Chủ tịch nước; Tòa án nhân dân; Viện Kiểm sát nhân dân; kỹ thuật lập hiến…
Về Lời nói đầu, một số ý kiến cho rằng mặc dù có nhiều cố gắng nhưng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vẫn còn tương đối dài và thiếu một số nội dung, đề nghị sửa đổi theo hướng Lời nói đầu phải cô đọng hơn, nhấn mạnh khát vọng hòa bình, tự do dân chủ và phát triển toàn diện, ổn định, bền vững thành một dòng chảy lịch từ quá khứ, hiện tại đến tương lai.
Thảo luận về Điều 4, các đại biểu đều cho rằng, việc quy định sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đối với toàn xã hội là hết sức cần thiết khẳng định bản chất của Nhà nước, chế độ ta, thể hiện tính hợp pháp trong vai trò lãnh đạo của Đảng.
Có ý kiến đề nghị nên bổ sung thiết chế mang tính hiến định về phương thức lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội, đồng thời có quy định rõ hơn để khắc phục nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Đảng và làm rõ sự khác nhau giữa vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của nhà nước.
Đối với quy định về MTTQ Việt Nam tại khoản 1, Điều 9 có ý kiến đề nghị cần bổ sung nhiệm vụ thực hiện sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ chế độ, chính quyền, bảo vệ lợi ích nhân; phản biện các chủ trương, chính sách của Đảng, chương trình, kế hoạch của nhà nước…
Theo một số ý kiến, quyền con người là quyền tự nhiên mà mỗi con người sinh ra đã có, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, còn quyền công dân là những quyền do Hiến pháp quy định, việc hiến định quyền công dân là để nâng cao quyền con người. Vì vậy, kiến nghị bỏ Điều 21 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định mọi người có quyền sống.
Bên cạnh đó, Điều 50 quy định mọi người có nghĩa vụ nộp thuế cũng không hợp lý bởi quy định như vậy thì những đối tượng là người nghèo, người cao tuổi, người tàn tật cũng sẽ phải nộp thuế.
Có ý kiến cho rằng, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này cần phân biệt rõ việc "lấy ý kiến nhân dân" với "trưng cầu ý dân" và kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 124 theo hướng để nhân dân có quyền quyết định trực tiếp về Hiến pháp và các vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia.
Đối với quy định về Hội đồng Hiến pháp, nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình cao với việc phải có một cơ chế hữu hiệu để bảo vệ tính tối cao của Hiến pháp, bởi đây là nguyên tắc không thể thiếu được của nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, quy định như dự thảo vẫn chưa thể hiện được vai trò của Hội đồng Hiến pháp.
Do vậy, kiến nghị Dự thảo cần quy định rõ hơn về vấn đề bảo vệ Hiến pháp nên thành lập Tòa án Hiến pháp, hoạt động độc lập với đầy đủ quyền hạn để bảo vệ Hiến pháp. Nếu không, phải mở rộng quyền hạn của Hội đồng Hiến pháp, có đầy đủ chức năng bảo hiến trước những hành vi vi phạm Hiến pháp.
Góp ý kiến vào Điều 59, ý kiến đại biểu đồng ý về cơ bản với tinh thần của 2 khoản thuộc điều này, tuy nhiên đề nghị bổ sung thêm khoản 3 "nhà nước thực hiện chế độ hạch toán, kiểm tra, kiểm toán, giám sát quá trình hình thành, sử dụng và hiệu quả sử dụng, trách nhiệm của người đứng đầu và tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước, tài chính nhà nước theo quy định của pháp luật".
Về Điều 122 có ý kiến cho rằng có thể để nội dung về Kiểm toán nhà nước ở một chương riêng vì về bản chất Kiểm toán nhà nước là một chủ thể thực hiện quyền kiểm soát vĩ mô của nhà nước, hoạt động liên tục, thường xuyên, nó khác tính chất của các hội đồng như Hội đồng Hiến pháp hay Hội đồng bầu cử Quốc gia.
Đồng thời bổ sung quy định "kết luận trong Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước phải được thực hiện, Báo cáo kết quả kiểm toán phải được công khai theo luật định".
Góp ý vào Chương 9 về chính quyền địa phương, ý kiến đại biểu cho rằng Hiến pháp cần có quy định cụ thể cho vị trí của HĐND là cơ quan đại diện và thực hiện quyền lực nhà nước ở địa phương của nhân dân một cách thực chất; cần sửa đổi theo hướng HĐND chịu trách nhiệm trước pháp luật và được pháp luật quy định cụ thể chứ không phải chịu trách nhiệm trước cấp trên.
Ngoài ra cần quy định cụ thể UBND ở địa phương là cơ quan thực hiện quyền hành chính thuộc khối "hành pháp", ngoài thực hiện việc chỉ đạo của cấp trên còn chủ yếu thực hiện các Nghị quyết của HĐND thuộc chính quyền địa phương biểu quyết và giám sát theo quy định của pháp luật.
Quốc Khang - Minh Châu