Hội luật gia tỉnh hiện có hơn 1.280 hội viên. Để góp phần tích cực đưa pháp luật vào cuộc sống, Hội đã tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức hội hiện có, xây dựng tổ chức hội vững mạnh.
Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp trong hội viên được thực hiện thường xuyên, tập trung vào việc tiếp tục triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội đảng các cấp, chỉ thị 03 của Ban Bí thư về tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, vận dụng vào từng công việc cụ thể trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo điều lệ hội Luật gia Việt Nam. Kịp thời triển khai học tập, quán triệt, tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay"…
Hội luật gia tỉnh đã tích cực đóng góp ý kiến vào các dự án luật, pháp lệnh, các văn bản hướng dẫn thi hành, các văn bản của Chính phủ, các ngành và các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương, trong đó có gần 40 dự án luật trình tại kỳ họp thứ 3, thứ 4, Quốc hội khóa XIII.
Đặc biệt đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo và tổ chức tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992; các dự án luật đất đai, luật xử phạt vi phạm hành chính, luật quản lý thuế…
Các chi hội cơ quan đã chủ động tham mưu với lãnh đạo cơ quan chủ trì phối hợp với các phòng nghiệp vụ thảo luận đóng góp ý kiến cho hơn 90 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của ngành và liên ngành trung ương; các văn bản hành chính quy định về quy trình, thủ tục, nội quy, quy chế quản lý nghiệp vụ của cơ quan, đơn vị, góp phần đưa hoạt động của ngành, lĩnh vực vào nền nếp, khoa học.
Tổ chức luật gia trong các cơ quan chuyên môn đã phối hợp thẩm định, thẩm tra hàng chục dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh và tham mưu giúp UBND tỉnh tiến hành rà soát, tự kiểm tra định kỳ các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp ban hành trong năm đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, đáp ứng yêu cầu thực tế.
Các chi hội luật gia cơ quan (Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Kho bạc nhà nước…) đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng các quy định của pháp luật theo chuyên đề; chủ động đề xuất với lãnh đạo đơn vị xây dựng chuyên đề nghiệp vụ phục vụ công tác chuyên môn của ngành và lĩnh vực.
Tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, Hội đã chủ động phối hợp với Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật và các cơ quan, tổ chức tại địa phương kịp thời tuyên truyền đến nhân dân đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, nhất là những chính sách, quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân trong các lĩnh vực như cải cách thủ tục hành chính, đất đai, xây dựng, quản lý đô thị, giải phóng mặt bằng, phòng chống tham nhũng, lãng phí… bằng nhiều hình thức như: tổ chức hội nghị lồng ghép,tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, truyền hình, qua hoạt động hòa giải, sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật, xét xử lưu động…
Từ năm 2012 đến nay, Hội đã phối hợp, lồng ghép tổ chức hơn 400 hội nghị phổ biến pháp luật cho hơn 10 nghìn lượt người; riêng Trung tâm tư vấn pháp luật đã tổ chức gần 20 cuộc tuyên truyền lưu động tại cơ sở, thu hút trên 2 nghìn lượt người tham gia.
Bên cạnh đó, Hội đã phối hợp tổ chức các cuộc thi: Tìm hiểu các quy định của pháp luật về bình đẳng giới; Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật giỏi… Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trong tỉnh xây dựng các chuyên mục pháp luật, phát hàng trăm tin, bài, cấp phát 13 nghìn tài liệu, tở rơi, tờ gấp về các quy định mới của pháp luật, gương người tôt việc tốt… nhằm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật trong các tầng lớp nhân dân.
Đáng ghi nhận là các chi hội trong các cơ quan nhà nước đã thông qua nhiệm vụ chuyên môn của ngành, lĩnh vực công tác trực tiếp tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn cho hàng nghìn lượt công dânnhững quy định của pháp luật có liên quan, nhất là các chi hội thuộc khối nội chính đã cử hội viên tham gia các tổ công tác xuống cơ sở nơi có khiếu kiện đông người để tuyên truyền, phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức 65 phiên tòa lưu động tại nơi xảy ra vụ án gắn với tuyên truyền phòng chống tội phạm tại cơ sở.
Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn được thực hiện thông qua công tác hòa giải, góp phần củng cố khối đoàn kết trong nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các chi hội xã phường đều có hội viên làm nòng cốt trong các tổ hòa giải, tư vấn pháp luật cho tổ hòa giải... Tính riêng trong năm 2012, các hội viên của Hội đã tham gia hòa giải thành công gần 300 vụ việc.
Bên cạnh đó, hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý của các cấp hội được lồng ghép với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đặc biệt là thường xuyên tư vấn cho cấp ủy, chính quyền địa phương, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị. Trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc tỉnh hội đã thực hiện tốt 2 phương thức là tư vấn lưu động trong các cuộc tuyên truyền pháp luật lưu động và thường trực tư vấn tại văn phòng trung tâm.
Năm 2012 tư vấn được hơn 200 vụ việc, trong đó 90% là trợ giúp miễn phí cho nhóm đối tượng yếu thế, dễ tổn thương và các đối tượng khác theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý.
Các chi hội cơ sở, nhất là chi hội khối cơ quan nội chính đã lồng ghép việc giám sát thi hành pháp luật với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị và thông qua vai trò thành viên của MTTQ, tham gia cùng Ban pháp chế HĐND thẩm tra các báo cáo, tờ trình của một số cơ quan, ngành trước kỳ hợp HĐND, góp phần vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả các kỳ họp của HĐND.
Với trách nhiệm là thành viên Ban chỉ đạo cải cách tư pháp của tỉnh, Hội luật gia tỉnh đã xây dựng kế hoạch tham gia thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp giai đoạn 2011-2016 và triển khai đến các cấp hội vận dụng, chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương để thực hiện gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương...
Hoàng Phúc