Thực hiện tốt phương châm “ruộng chờ mạ”
Theo kế hoạch, vụ mùa năm nay, các xã, phường khu vực phía Bắc tỉnh gieo cấy khoảng 70.600 ha lúa. Chủ động ứng phó với biến đổi thời tiết và triển khai sản xuất vụ mùa gắn với gieo trồng cây vụ đông, các xã, phường đã chú trọng bảo đảm cơ cấu giống hợp lý với 30-40% trà mùa sớm, mùa trung sớm; 50-60% trà mùa trung; 10% trà mùa muộn.
Các giống lúa được gieo cấy chủ yếu là các giống chất lượng cao như TBR225, Thiên Trường 900, TBR89, Bắc thơm số 7 kháng bạc lá, Đài thơm 8, ST 24, ST25, Ngọc Nương 9, Nếp 97… Đây là những giống có tiềm năng năng suất cao, chất lượng gạo ngon và có thị trường tiêu thụ ổn định.
Thực hiện phương châm “ruộng chờ mạ”, ngay sau khi thu hoạch xong lúa xuân, cấp uỷ, chính quyền các địa phương đã tập trung tuyên truyền, vận động nông dân dọn ruộng, huy động máy tổ chức cày lật đất, làm dầm. Ở những chân vàn cao dùng máy cày lật đất để khi có nước tiến hành bừa lồng giúp đất được làm kỹ. Đối với những diện tích ruộng đã có đủ nước, ruộng trũng, thấp tiến hành bừa lồng, làm dầm sớm giúp rơm, gốc rạ phân hủy tốt.
Cùng với việc tập trung làm đất, việc cải tạo đất cũng được nông dân tích cực triển khai đồng bộ từ bừa ải, san phẳng đến rắc vôi bột, xử lý rầy nâu và nấm bệnh để cây lúa phát triển tốt và giảm sâu bệnh sau gieo cấy. Nhờ đó đến đầu tháng 7/2025, các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc làm đất toàn bộ diện tích gieo cấy lúa mùa.
Cùng với việc điều hành lấy nước, làm đất được chuẩn bị chu đáo, chất lượng, phù hợp với từng vùng gieo cấy cụ thể, các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp chủ động cung ứng các loại vật tư nông nghiệp bảo đảm chất lượng và giá bán ổn định giúp bà con nông dân trên địa bàn yên tâm sản xuất.
Ghi nhận từ thực tế là: các xã, phường tiếp tục mở rộng diện tích gieo cấy lúa mùa theo vùng sản xuất cánh đồng lớn nhằm giảm chi phí đầu tư, các khâu trung gian, đồng thời thúc đẩy phát triển các chuỗi liên kết đầu tư cho chế biến, bảo quản và xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, tạo đầu ra ổn định cho nông sản; mở rộng diện tích gieo cấy lúa mùa theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn tại các xã Hiển Khánh, Đồng Thịnh, Nam Ninh, Xuân Trường, Hải Hậu...
Hiện nay, nông dân các địa phương đã đồng loạt xuống đồng, quyết tâm phấn đấu cấy xong lúa mùa trước ngày 25/7 theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Tính đến ngày 12/7, các xã, phường phía Bắc tỉnh đã gieo cấy được khoảng 18% tổng diện tích vụ mùa năm 2025.
Đẩy mạnh cơ giới hoá sản xuất lúa
Việc thời gian chuyển vụ ngắn, lực lượng lao động nông nghiệp thiếu hụt do chuyển đổi sang làm việc tại các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp nên các địa phương phía Bắc tỉnh đã tích cực đẩy mạnh cơ giới hóa gieo cấy lúa mùa. Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Môi trường): Các địa phương đã huy động trên 300 máy cấy, mạ khay cấy lúa mùa, đạt tỷ lệ 25-30% tổng diện tích vụ mùa năm 2025.
Vụ mùa năm nay, xã Hiển Khánh gieo cấy 1.518ha lúa mùa bằng giống Bắc Thơm số 7 kháng bạc lá, Đài thơm 8, BC15. Tích cực thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, từng bước hình thành việc gieo mạ tập trung, cấy cùng trà-cùng giống, tạo thuận lợi cho việc chăm sóc, dặm tỉa và thúc đẩy chuỗi liên kết giá trị, UBND xã đã chỉ đạo 4 HTX dịch vụ nông nghiệp Trung Thành, Quang Trung, Hợp Hưng, Hiển Khánh đẩy mạnh cơ giới hoá khâu làm đất, cấy lúa.
Ngay sau khi hoàn tất việc làm đất, xã đã huy động 5 máy cấy đồng loạt xuống đồng cấy lúa mùa. Đồng chí Trần Quang Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX dịch vụ nông nghiệp Trung Thành cho biết: “Để thực hiện tốt phương thức máy cấy-mạ khay, HTX đã xây dựng kế hoạch cụ thể từ sớm, ký hợp đồng với các đơn vị dịch vụ; chuẩn bị khâu làm đất, thường xuyên kiểm tra chất lượng mạ giống bảo đảm mạ khỏe, tốt đều, tạo tiền đề cho vụ lúa xuân thắng lợi. Thực hiện quy hoạch vùng cấy lúa bằng máy tập trung, thuận lợi tưới, tiêu nước và chăm sóc”. Dự kiến đến ngày 19/7, xã sẽ hoàn thành gieo cấy lúa mùa.
Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên ngày càng có nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã tham gia sử dụng dịch vụ máy cấy-mạ khay. Chị Trần Thị Hoà, Bí thư chi bộ thôn Phố Xuân, xã Hiển Khánh cho biết: “Trước đây, người dân trong thôn chủ yếu gieo sạ cả 2 vụ trong năm. Cách đây 2 vụ, xã bắt đầu triển khai mô hình cấy máy-mạ khay. Vụ đầu tiên chỉ có vài hộ tham gia, tuy nhiên đến nay toàn thôn đã có 40 hộ sử dụng dịch vụ máy cấy-mạ khay”.
Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã Hiển Khánh cho biết: Qua thực tế sản xuất cho thấy, lúa cấy bằng máy nông, mật độ cây lúa đồng đều nên phát huy được hiệu ứng hàng biên, ruộng lúa thông thoáng ít sâu bệnh, năng suất lúa tăng từ 10-15% so với cấy bằng tay.
Việc sử dụng máy cấy còn giúp các HTX quy hoạch được vùng sản xuất, gieo cấy cùng giống, cùng trà thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch, từng bước hình thành các vùng sản xuất lúa tập trung, góp phần thay đổi tập quán sản xuất lúa nhỏ lẻ, manh mún.
Một trong những khó khăn đối với sản xuất lúa hiện nay là việc thiếu lao động trong điều kiện thời vụ lại hết sức gấp gáp, do vậy việc mở rộng diện tích cấy máy sẽ khắc phục tình trạng này.
Đặc biệt, cấy máy-mạ khay mang lại lợi ích rất lớn về mặt môi trường vì ít phải sử dụng các loại thuốc diệt cỏ, ốc bươu vàng; trong vụ lúa ít sâu bệnh nên giảm đáng kể số lần phải phun thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giảm chi phí đầu tư và hạn chế ô nhiễm môi trường.
Nhân rộng mô hình nông nghiệp hữu cơ, thúc đẩy chuỗi liên kết giá trị
Trước những thách thức do thời tiết, sâu bệnh diễn biến phức tạp, tình trạng đất bạc màu, các địa phương đã tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc, bảo vệ lúa.
Anh Nguyễn Xuân Điến, Thành viên Hội đồng quản trị HTX Dịch vụ nông nghiệp Đại Thắng, xã Đồng Thịnh cho biết: Vụ mùa năm nay, HTX liên kết với Công ty cổ phần Thương mại tổng hợp Toan Vân hướng dẫn hộ nông dân tham gia cấy giống lúa Ngọc Nương 9 sử dụng bón phân NPK vi sinh Lâm Thao của Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao (Phú Thọ) là đơn vị có uy tín trên thị trường.
Theo đó, HTX hướng dẫn các hộ xã viên tổ chức bón lót 20kg phân NPK 5.10.3 vi sinh, bón thúc 10kg phân NPK 16.8.16 vi sinh. Cụ thể, bón lót toàn bộ 20kg/sào trước khi cấy và bón thúc 2 lần, gồm bón lần 1 là 5 kg/sào, lần 2 là 5 kg/sào. Kinh nghiệm từ vụ trước cho thấy, việc sử dụng phân vi sinh Lâm Thao giúp cây lúa đẻ khỏe, tập trung, màu lá xanh-sáng, đẹp và khả năng chống chịu sâu bệnh, chống đổ tốt, nhất là bệnh đạo ôn và rầy nâu; số bông, số hạt chắc đạt tỷ lệ cao…
Đặc biệt, phân bón NPK vi sinh Lâm Thao còn cung cấp một lượng lớn các loại vi sinh hữu ích giúp cải tạo hiệu quả đất cấy của các địa phương đang bị bạc màu, đất bị chai cứng do lạm dụng quá nhiều các loại phân vô cơ.
Tư duy liên kết sản xuất-tiêu thụ lúa thương phẩm được khuyến khích, nhất là với diện tích lúa chất lượng cao. Các HTX tập trung xây dựng vùng cấy giống đồng nhất để mở đường tiêu thụ, hướng đến tiêu chuẩn gạo sạch, hữu cơ và xây dựng thương hiệu nông sản của địa phương.
Với quyết tâm cao cùng sự phối hợp chặt chẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các khâu từ chuẩn bị giống, làm đất, cơ giới hóa sản xuất và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, chắc chắn vụ mùa năm 2025 trên địa bàn các xã phía Bắc tỉnh sẽ có một vụ mùa thắng lợi.