Từ chỗ chỉ có 76 chi hội với 768 hội viên, đến nay Hội Đông y tỉnh đã phát triển lên 98 chi hội với 895 hội viên, 9 phòng chẩn trị tập thể. Là tổ chức xã hội-nghề nghiệp, lấy việc phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân bằng y học cổ truyền làm nhiệm vụ trọng tâm, Hội Đông y tỉnh xác định phải làm tốt công tác kế thừa, phát huy, phát triển y học cổ truyền để nâng cao chất lượng hoạt động khám, chữa bệnh cho nhân dân. Với 9 phòng chẩn trị tập thể của các huyện, Tỉnh Hội và hàng trăm phòng chẩn trị tư nhân, hàng năm các phòng chẩn trị đã khám và điều trị cho từ 800.000- 1.130.000 lượt bệnh nhân với 5.650.000 thang thuốc, sử dụng hàng trăm tấn dược liệu, trong đó có 60% là thuốc nam đã được sưu tầm, thu hái ở các địa phương.
Nhiều bệnh nhân còn được chữa bệnh bằng phương pháp không dùng thuốc như: châm cứu, xoa bóp, chích, lể… đạt kết quả an toàn trong điều trị. Các phòng chẩn trị tập thể và tư nhân hàng năm còn tiến hành khám miễn phí cho các gia đình liệt sỹ, thương, bệnh binh, người có công với cách mạng, người cao tuổi từ 80 trở lên…
Qua đó góp phần nâng tỷ lệ người dân được khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền ngày một tăng lên. Cùng với hoạt động khám, chữa bệnh, công tác gieo trồng, thu hái, bảo quản cây thuốc nam được các chi hội quan tâm đẩy mạnh. Thực hiện phương châm "thầy tại chỗ, thuốc tại vườn", nhiều chi hội đã tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân dành diện tích đất tại vườn nhà để gieo trồng các loại cây thuốc như: sinh địa, bạch chỉ, trạch tả, chi tử, ngưu tất… với diện tích từ 150- 200 mẫu. Đã có hàng trăm tấn dược liệu được thu hái, chế biến và đưa vào sử dụng trong điều trị. Nhiều gia đình đã biết cách trồng 5-7 cây thuốc cần thiết để điều trị bệnh thông thường như cảm, cúm, ho, sốt…
Tại các trạm y tế, các vườn thuốc nam được trồng và chăm sóc thường xuyên là nguồn dược liệu để các trạm tiến hành khám, chữa bệnh cho người dân bằng y học cổ truyền. Đến hết năm 2012, toàn tỉnh đã có 102 trạm y tế xã được chữa bệnh bằng thuốc y học cổ truyền và các phương pháp không dùng thuốc. 42/146 xã đạt tiêu chuẩn xã tiên tiến về y học cổ truyền.
Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và nâng cao trình độ, tay nghề cho đội ngũ bác sỹ, lương y, hội viên, hoạt động hội thảo, thực hiện các chuyên đề báo cáo… được Hội Đông y tỉnh quan tâm thực hiện thường xuyên. Nội dung hội thảo tập trung vào việc giới thiệu các báo cáo chuyên đề với các kiến thức, kinh nghiệm hay trong hoạt động khám, chữa bệnh ở các chi hội để góp ý, chỉnh lý, phổ biến cho các cơ sở áp dụng.
Thông qua hội thảo, nhiều bài thuốc hay đã được chọn lọc, tập hợp, phổ biến cho các hội viên làm kinh nghiệm để áp dụng trong điều trị cho người bệnh. Tiêu biểu là các bài thuốc: "Chỉ thấp lợi khớp thang" điều trị viêm đa khớp dạng thấp thể hàn, "thông kiên thang" điều trị viêm quanh khớp vai, huyễn vựng, phong chẩn, tọa cốt phong, kiên tý thống…
Bên cạnh đó, các chi hội đã động viên, khuyến khích các lương y cao tuổi, các gia đình có nhiều đời làm thuốc cống hiến những vị thuốc gia truyền nhiều đời, chữa bệnh đạt kết quả làm tài liệu quý để gìn giữ. Việc kết hợp thuốc đông y với châm cứu thường xuyên được quan tâm. Trong đó, Phòng chẩn trị Hội Đông y tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, Khoa Đông y Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Khoa Đông y Bệnh viện Quân y 5 và một số cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân đã có sự phối hợp hiệu quả trong việc giải quyết các ca bệnh khó mà khám, chữa bệnh bằng y học hiện đại đạt hiệu quả chưa cao như: bệnh giời leo, khẩu nhãn oa tà, giật và máy mắt, huyễn vựng, yêu thống, kiên tý thống, di chứng tai biến mạch máu não, viêm khớp dạng thấp…
Qua nhiều năm triển khai khám, chữa bệnh cho người dân bằng phương pháp y học cổ truyền, theo đánh giá của nhiều người, phương pháp này đã đạt kết quả tốt nhất khi điều trị các bệnh mãn tính, bệnh tuổi già và một số chứng bệnh như: mất ngủ kéo dài, đau vai gáy, viêm mũi xoang, viêm khớp thoái hóa, sỏi mật, viêm cầu thận cấp, mãn và các bệnh phụ khoa…
Đến nay, tỷ lệ người bệnh được khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền ở tuyến xã đạt hơn 30%, tuyến tỉnh đạt hơn 10%. Trong đó, có từ 22-27% số bệnh nhân được chữa bệnh bằng phương pháp không dùng thuốc.
Bài, ảnh: Bùi Diệu