Ông Vũ Hồng Thái ở xóm 9 là một trong những CCB tiêu biểu của xã Khánh Thượng đi đầu trong phong trào cải tạo vùng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình trang trại. Ông Thái cho biết: Trước đây, cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn. Nhưng khi tham quan, học hỏi và được sự tư vấn của Hội CCB xã, tôi đã quyết định đấu thầu 1ha diện tích vùng đất trũng cấy lúa kém hiệu quả của xã để đào ao thả cá và xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà, lợn, bò. Bước đầu đi vào nuôi trồng do chưa có kinh nghiệm nên đã bị thất bại, lợn, gà và cá dịch bệnh mà kém phát triển hoặc chết. Những khi thất bại, ông Thái tìm hiểu nguyên nhân để có giải pháp khắc phục kịp thời. Trong các buổi tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT do Hội CCB tổ chức ông Thái đều tham gia tích cực. Cùng với đó, ông tìm hiểu thêm qua sách báo, qua kinh nghiệm của những người đi trước và áp dụng vào mô hình của mình. Hiện nay, trung bình mỗi năm từ ao nuôi ông thu về 2 tấn cá các loại như trắm, mè, rô phi; đồng thời thường xuyên duy trì đàn lợn khoảng 100 con và hàng trăm con gà, vịt ngan... Ngoài ra, quanh khu trang trại ông còn trồng thêm một số loại cây ăn quả như vải, xoài, chuối, rau xanh... vừa cải thiện bữa ăn, vừa tạo môi trường chăn nuôi khoáng đạt, trong lành. Theo ước tính, hiện mô hình chăn nuôi tổng hợp của ông Thái cho thu lãi bình quân mỗi năm đạt 100 triệu đồng. "Chăn nuôi ổn định, phát triển, gia đình đã xây sửa được nhà ở khang trang, sắm sửa được các vật dụng tiện nghi và các con có điều kiện ăn học tốt hơn. Và trong hành trình vươn lên của tôi, có sự trợ giúp tích cực của các đồng đội, hội viên CCB xã Khánh Thượng"- ông Vũ Hồng Thái phấn khởi chia sẻ.
Ông Phạm Văn Tính, Chủ tịch Hội CCB xã Khánh Thượng cho biết: Mô hình chăn nuôi tổng hợp của ông Thái đã và đang được nhiều CCB trong xã tham quan, học tập. Không chỉ đi đầu trong phát triển kinh tế, ông Thái còn là hội viên CCB gương mẫu, tích cực giúp đỡ các hội viên khác cùng phát triển. Đó cũng là phẩm chất chung của những CCB trong xã, bởi với mỗi người lính thì dù là thời chiến hay thời bình thì tinh thần "nghĩa tình đồng đội" luôn được phát huy. ở Khánh Thượng, tinh thần ấy được cụ thể hóa thông qua phong trào "giúp nhau phát triển kinh tế.
Để phong trào đi vào chiều sâu và đạt kết quả cao, Hội CCB xã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động hội viên thay đổi cách nghĩ, cách làm; mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi và đặc biệt phải áp dụng khoa học - kỹ thuật để đảm bảo chăn nuôi, trồng trọt phát triển bền vững. Những năm gần đây, trước yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, Hội CCB xã đã vận động hội viên dồn đổi hoặc đấu thầu đất 5% của xã để xây dựng các khu chăn nuôi, sản xuất tập trung theo mô hình gia trại, trang trại. Mặt khác, nhằm giúp hội viên có vốn phát triển sản xuất và chăn nuôi, Hội CCB xã đã đứng ra nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Mô với tổng số tiền 3 tỷ đồng cho trên 60 hội viên vay. Từ phong trào phát triển kinh tế đã xuất hiện nhiều tấm gương CCB gương mẫu tiên phong phát triển kinh tế với việc xây dựng thành công nhiều mô hình kinh tế tổng hợp kinh doanh, dịch vụ, các trang trại, gia trại... hoạt động hiệu quả, thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng mỗi năm.
Nhờ đẩy mạnh phong trào hội viên CCB thi đua giúp nhau phát triển kinh tế nên nhiều năm qua, đời sống hội viên CCB trên địa bàn xã ngày càng được nâng cao. Hiện nay, hội CCB xã Khánh Thượng có nhiều gia đình hội viên có mức sống khá và giàu, chỉ còn 4 hội viên thuộc hộ nghèo trong tổng số 334 hội viên của hội.
Cũng theo ông Phạm Văn Tính, Chủ tịch Hội CCB xã Khánh Thượng, để tiếp tục đẩy mạnh phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, thời gian tới, Hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng về cơ sở, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng hội viên để đề xuất với các cấp, ngành chức năng kịp thời giúp đỡ. Hội cũng sẽ chủ động hơn trong việc hỗ trợ hội viên về nguồn vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng một số mô hình điểm để nhân rộng, góp phần tích cực cải thiện và nâng cao thu nhập cho hội viên cũng như công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Mai Lan