Với phương châm chỉ đạo là "lấy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên làm động lực", trong quá trình thực hiện, Hội CCB thành phố Tam Điệp đã đẩy mạnh phong trào bằng nhiều biện pháp cụ thể, sáng tạo, làm tốt việc vận động kết hợp với các nguồn lực để giúp các hội viên CCB vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Xác định nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH là nguồn lực quan trọng để phát triển sản xuất, tạo việc làm nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững cho gia đình CCB, các cấp Hội đã tập trung chỉ đạo, triển khai và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay, Hội đang quản lý 47 tổ tiết kiệm vay vốn cho 1.300 hộ vay với dự nợ gần 30 tỷ đồng. Ngoài ra, Hội còn huy động nguồn vốn từ quỹ các chi hội cho vay không lấy lãi hoặc lãi suất thấp cho 120 hội viên phát triển kinh tế với số tổng số tiền trên 1,8 tỷ đồng. Hội cũng phối hợp với chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT thành phố tổ chức tập huấn và triển khai thành lập các tổ liên kết vay vốn nhằm tạo điều kiện cho hội viên có thêm cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cùng với thực hiện các chương trình phối hợp đã ký kết với Ngân hàng, Hội còn tích cực khai thác, giới thiệu cán bộ hội viên tham gia đầy đủ các buổi hội thảo hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, chuyển giao tiến bộ KHKT do các cấp, các ngành tổ chức. Từ năm 2013 đến nay, đã phối hợp tổ chức 61 lớp tập huấn về công tác xóa đói, giảm nghèo, khuyến nông, khuyến ngư, bồi dưỡng kinh nghiệm, kiến thức làm kinh tế, nghiệp vụ vay vốn, quản lý sử dụng vốn...cho hàng chục nghìn lượt hội viên CCB.
Trên cơ sở tập trung chỉ đạo hội viên phát huy tiềm năng, tranh thủ mọi nguồn lực và chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các cấp Hội đã định hướng cho hội viên CCB phát triển mạnh các loại hình kinh tế hộ gia đình, gia trại, trang trại, làng nghề, ưu tiên đầu tư các dự án theo vùng, miền. Đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp và HTX do CCB làm chủ sản xuất các sản phẩm hàng hóa có lợi thế, tính cạnh tranh cao, hướng vào xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Vì vậy, những năm qua, các mô hình phát triển kinh tế của CCB có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, quy mô, đổi mới về chất lượng, thu hút và tạo việc làm cho hàng trăm lao động, trong đó có nhiều lao động là con em CCB. Đến cuối năm 2018, toàn hội có gần 150 trang trại, gia trại, 4 tổ hợp tác, 2 HTX, 28 doanh nghiệp, tạo việc làm thường xuyên cho gần 300 lao động. Hội CCB thành phố Tam Điệp có 65 hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố và cơ sở, 32 hộ cấp tỉnh, 20 hộ cấp Trung ương. Từ những nỗ lực, cố gắng của cán bộ, hội viên CCB thành phố, đã góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho các gia đình hội viên, đưa tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 giảm xuống chỉ còn 11 hộ, chiếm 0,26%, giảm 0,21% so với năm 2013. Số hội viên có mức sống khá, giàu đạt gần 40%.
Kinh tế phát triển không chỉ là cơ sở để giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn tạo điều kiện để các tổ chức Hội, cán bộ, hội viên làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa, tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, thắt chặt tình đồng chí, đồng đội giữa các CCB. 5 năm qua, các tổ chức Hội đã tham gia cùng với địa phương ủng hộ gần 200 triệu đồng tiền mặt, 798 ngày công xây mới, sửa chữa 23 nhà cho các đối tượng chính sách là hội viên CCB trên địa bàn. Đồng thời trực tiếp ủng hộ gần 160 triệu đồng, hơn 90 ngày công xây mới, sửa chữa 8 nhà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Theo đánh giá của lãnh đạo Hội CCB thành phố Tam Điệp, phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ" trên mặt trận kinh tế, cán bộ, hội viên CCB thành phố đã đoàn kết, nỗ lực khai thác được nhiều nguồn lực, kinh nghiệm, dám nghĩ, dám làm, từ đó, phong trào giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi đã đạt được kết quả thiết thực. Qua hoạt động kinh tế đã tăng cường gắn bó, tình đồng chí, đồng đội, thúc đẩy hoạt đông tình nghĩa, gắn kết hội viên với tổ chức Hội, góp phần xây dựng tổ chức Hội trong sạch, vững mạnh và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Bài, ảnh: Thùy Phương