Trở về đời thường với nhiều thương tật, cựu chiến binh Nguyễn Văn Chính, thôn Đồng Nang, xã Văn Phú (Nho Quan) luôn nhớ lời Bác Hồ dạy: "Thương binh tàn nhưng không phế". Ông Chính luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế gia đình, ổn định đời sống. Với ý chí của một người lính, năm 2015, ông Chính đã đấu thầu đất ở địa phương, đầu tư xây dựng trang trại VAC. Với diện tích hơn 2ha, ông dành 1,4 mẫu đào ao thả cá, phần còn lại xây dựng chuồng nuôi lợn, gà, thường xuyên nuôi từ 50-60 con lợn, 300 con gà. Ngoài ra, ông còn trồng thêm 300- 500 cây bưởi Diễn cùng các loại cây ăn quả và rau sạch. Bình quân mỗi năm ông thu trên 500 triệu đồng.
Không chỉ là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương, cựu chiến binh Nguyễn Văn Chính còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, giúp đỡ đồng chí, đồng đội, hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Ông Chính bày tỏ: "Tôi sống và làm việc theo lời dạy của Bác Hồ cũng là để làm gương cho con cháu phấn đấu sống tốt, làm người có ích cho xã hội".
Từ việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh huyện Nho Quan đã có hàng trăm tập thể, cá nhân tiêu biểu trên tất cả các lĩnh vực. Trong hàng nghìn việc tốt mà cán bộ, hội viên làm được, có những việc quan trọng như: giúp nhau xóa đói giảm nghèo; đảm bảo an ninh trật tự và phòng, chống tệ nạn xã hội...
Theo đồng chí Vũ Đức Thịnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Nho Quan: Điểm nổi bật trong thực hiện Chỉ thị 05 của các cấp Hội Cựu chiến binh huyện là phong trào "Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi". Để cán bộ, hội viên có nguồn vốn ưu đãi phát triển kinh tế, các cấp Hội đã đứng ra tín chấp với các ngân hàng trên 200 tỷ đồng cho hơn 3.000 hội viên vay vốn. Từ nguồn vốn này, nhiều hội viên ứng dụng KH-KT vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thành lập HTX, phát triển kinh doanh, dịch vụ... đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Đến nay, toàn huyện có 23 doanh nghiệp nhỏ và vừa; 7 HTX, 4 tổ hợp tác, 36 trang trại, 2 gia trại, 429 hộ kinh doanh dịch vụ do hội viên CCB làm chủ, tạo việc làm cho trên 1.700 lao động. Nhiều mô hình tiêu biểu như: mô hình sản xuất phân lân của hội viên Vũ Thị Hà, xã Sơn Hà với thu nhập 5-10 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 30-40 lao động tại địa phương với mức lương từ 5-6 triệu đồng/tháng; mô hình nuôi hươu lấy nhung của hội viên Tống Xuân Minh, xã Phú Long, cho thu nhập trên 600 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 4 lao động tại địa phương; mô hình nuôi hươu, nuôi ong mật của hội viên Hoàng Xuân Nghiêm, xã Cúc Phương, mỗi năm cho thu nhập 170 triệu đồng...
Không chỉ gương mẫu, đi đầu trong phát triển KT-XH, các cấp hội Cựu chiến binh toàn huyện còn luôn quan tâm giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ, phối hợp với các cơ quan công an, quân sự thực hiện chương trình vận động quần chúng tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tham gia các tổ tự quản về an ninh trật tự góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các thôn, tổ dân phố.
Phát huy tinh thần "tương thân, tương ái", các cấp Hội CCB đã phát động phong trào "đền ơn đáp nghĩa" để xây dựng quỹ, kịp thời thăm hỏi, động viên những hội viên có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật. Giai đoạn 2016-2021, các cấp Hội đã hỗ trợ xây dựng được 31 nhà tình nghĩa cho hội viên hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền trên 1,6 tỷ đồng; vận động cán bộ, hội viên đóng góp trên 1,4 tỷ đồng ủng hộ các quỹ, thăm, tặng quà hội viên, hỗ trợ các địa phương bị thiên tai. Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, đến nay, 100% hội viên tham gia ủng hộ với số tiền trên 40 triệu đồng...
Với nhiều việc làm cụ thể, sáng tạo trong học tập và làm theo Bác, 5 năm qua đã có hơn 95% hội viên Cựu chiến binh huyện đạt danh hiệu "CCB gương mẫu"; hơn 90% gia đình hội viên đạt danh hiệu gia đình văn hóa; từ năm 2016 đến nay, nhiều tập thể, cá nhân các cấp Hội Cựu chiến binh huyện đã được các cấp, ngành khen thưởng do có nhiều thành tích, đóng góp trong các phong trào của địa phương.
Bài, ảnh: Mạnh Tuấn