THÁNG 6 về, những người làm báo cách mạng Việt Nam lại nhớ và thấm sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Người không chỉ là lãnh tụ vĩ đại của Đảng và Nhà nước ta, mà còn là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam; đồng thời, Người cũng là nhà báo lỗi lạc. Tại Đại hội II Hội Nhà báo Việt Nam họp ở Hà Nội, ngày 16-4-1959, mở đầu bài nói chuyện khá dài, Bác Hồ nói thân tình: Bác "là một người có nhiều duyên nợ với báo chí".
Khi kết thúc bài nói chuyện, Bác cho biết: "Về nội dung viết, mà các cô các chú gọi là "đề tài", thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một "đề tài" là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí là như vậy đó"(1). Nếu đọc lại bài "Tâm địa thực dân" được Nguyễn Ái Quốc viết năm 1919, đến cuốn sách "Bản án chế độ thực dân Pháp" cũng ký tên Nguyễn Ái Quốc xuất bản lần đầu tiên ở Pa-ri năm 1925, thì các bài Bác viết trong 6 năm đó đều tập trung vạch trần tội ác của thực dân Pháp, khi chúng tìm mọi thủ đoạn đê hèn và dã man để bóc lột nhân dân Việt Nam đến tận xương tủy.
Từ ngày thành lập Đảng (ngày 3-2-1930) cho đến trước lúc đi vào cõi vĩnh hằng (ngày 2-9-1969), Bác Hồ đã có hàng nghìn bài báo với hàng chục bút danh khác nhau đăng trên nhiều báo, tạp chí, mà số lượng lớn nhất dành đăng ở Báo Nhân Dân, với hơn 2.000 bài. Dù đề cập trực tiếp hay gián tiếp, Người đều thể hiện một tâm nguyện cháy bỏng cả đời là chỉ mong muốn làm sao cho nước nhà được độc lập, nhân dân được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Vì vậy, lời Bác nói về "đề tài" viết báo nêu trên có thể hiểu ngắn gọn là, báo chí cần góp sức tích cực biến mục tiêu cao cả của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là đánh đổ thực dân, phong kiến, đem lại hạnh phúc cho nhân dân sớm thành hiện thực. Chính vì vậy, nhân dân phải là nhân vật trung tâm của báo chí cách mạng.
Những người viết báo cách mạng càng thấu hiểu vì sao trong Đại hội II của Đảng họp ở Việt Bắc, tháng 2-1951, dưới sự chỉ đạo của Người, Đại hội ra quyết định xuất bản tờ báo mang tên NHÂN DÂN. Khi các đồng chí lãnh đạo quân đội xin ý kiến Bác đặt tên cho tờ báo ra hằng ngày đầu tiên (tiếp nối các tờ báo ra hằng tuần, hằng tháng trước đó), Bác nói rành rẽ: Quân đội ta là của nhân dân, do vậy nên đặt tên báo là Quân đội Nhân dân. Với tư duy sâu sắc ấy, sau này tờ báo của lực lượng công an cũng mang tên Công an Nhân dân.
Bác nói ngắn gọn, làm cách mạng là đem lại lợi ích cho nhân dân, mà nhân dân không tự giác tham gia, không ủng hộ cách mạng hết lòng thì không thể thành công! Báo chí có vai trò tuyên truyền, cổ vũ, tập hợp nhân dân vào mặt trận chống thực dân, đế quốc, xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, nền văn hóa mới. Từ cách đặt vấn đề sâu sắc như vậy, Bác đã đúc kết một kinh nghiệm có tầm chiến lược: Gốc có vững cây mới bền/Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân. Theo tư duy đó, nói chuyện tại Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam (tháng 9-1962), Bác nhấn mạnh: "Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng"(2).
Trước đó, trong bối cảnh cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược chưa đầy năm, ngày 5-8-1947, Bác Hồ viết thư gửi Đại hội báo giới, chỉ rõ 5 nhiệm vụ của báo chí:
"1. Vạch rõ âm mưu, chính sách và những hành động tàn bạo của địch.
2. Giải thích cho dân chúng hiểu rõ, vì sao phải trường kỳ kháng chiến, vì sao kháng chiến nhất định thắng lợi.
3. Giải thích chính sách của Chính phủ cho dân chúng rõ. Bày tỏ nguyện vọng của dân chúng cho Chính phủ biết.
4. Cổ động dân chúng, huấn luyện dân chúng, bày cho dân chúng tổ chức lực lượng của mình.
5. Kêu gọi toàn dân đoàn kết, hăng hái kháng chiến, tin tưởng về sự thắng lợi"(3).
Để đạt mục đích đó, Bác căn dặn, khi viết báo lời lẽ phải phổ thông, dễ hiểu, đường hoàng, vui vẻ, làm cho người xem báo thấy thú vị và bổ ích; có như vậy, viết báo mới đạt mục đích. Do đó, 5 nhiệm vụ của báo chí lúc này đều phải căn cứ vào thực tế, nhân dân nhận thức thế nào, nhân dân có nguyện vọng gì? để báo chí tham gia thực hiện việc tuyên truyền có hiệu quả. Muốn vậy, theo Bác, các nhà báo phải tìm cách viết cho dân dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo.
Nhận thức rõ vai trò to lớn của báo chí trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc, Bác Hồ chỉ thị cần mở lớp học viết báo mang tên Hùynh Thúc Kháng. Lớp được tổ chức vào tháng 7-1949 tại thôn Bờ Rạ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Trong bức thư ngắn gọn gửi các học viên, Bác không quên nhấn mạnh về nghiệp vụ báo chí: "Nếu các bạn viết báo mà quần chúng hiểu, quần chúng ham đọc, quần chúng khen hay, thế là các bạn tiến bộ. Trái lại, là các bạn chưa thành công"(4).
Cũng thời gian này, Bác gửi thư tới báo Quân du kích, chỉ rõ nhiệm vụ vẻ vang của tờ báo là: "Làm cho: Mỗi quốc dân là mỗi chiến sĩ,/ Mỗi làng xóm là một pháo đài... Đó là nhiệm vụ của báo Quân du kích"(5). Muốn tăng cường sức mạnh của báo chí, Người luôn căn dặn, trước hết người làm báo phải học, học trong sách vở, học hỏi nhân dân, đi sâu vào thực tiễn đời sống của nhân dân thì mới hiểu được nhân dân nghĩ gì, cần gì; và khi phản ánh được điều đó trên báo, nhân dân mới yêu báo, học và làm theo báo. Trong "Thư gửi Quân nhân học báo" (là tập san chuyên hướng dẫn bộ đội ta học văn hóa, phát hành tại Việt Bắc), Bác căn dặn:
"Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi.
Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm"(6).
Tháng 2-1948, Bác viết thư gửi Hội nghị thông tin tuyên truyền và báo chí toàn quốc, với những nội dung rất cụ thể khẳng định về những mặt được và những mặt chưa được của công tác thông tin, tuyên truyền, báo chí, chỉ rõ cách phát huy ưu điểm cũng như khắc phục khuyết điểm nhằm làm cho nhân dân thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ. Có thể coi nội dung bức thư là ý kiến tâm huyết, thân tình, cởi mở của Bác dành cho những người làm báo:
"Tôi gửi lời thân ái chúc các đại biểu mạnh khỏe và Hội nghị có kết quả tốt. Sau đây là một vài ý kiến tôi đưa ra để giúp vào cuộc thảo luận của Hội nghị.
Theo ý kiến của tôi, thì thông tin, tuyên truyền và báo chí là ba ngành trong một việc, ba ngành đó phải đi sát với nhau. Vì vậy, các ưu điểm và khuyết điểm cũng chia sẻ với nhau. Xét lại, hơn một năm kháng chiến, chúng ta thấy trong thông tin, tuyên truyền và báo chí, ưu điểm cũng có và khuyết điểm cũng còn nhiều:
Ưu điểm
1. Mặc dầu hoàn cảnh khó khăn, anh em đều cố gắng làm nhiệm vụ.
2. Số báo chí nhiều hơn trước, nhất là bích báo càng phát triển.
Hầu khắp các cơ quan và bộ đội, các đoàn thể đều có bích báo. Các huyện như An Hải có báo Giết giặc, các đội nhi đồng như báo Xung phong của em bé ở Hải Dương, kỹ thuật và nội dung rất khá.
3. Nhiều nơi có sáng kiến dùng những cách thức phổ thông để tuyên truyền, như kịch, vè, ca dao, v.v..
4. Gần đây đã đi đến chỗ thống nhất thông tin tuyên truyền.
Khuyết điểm
a. Nhiều địa phương, anh em thông tin tuyên truyền lầm tưởng mình là công chức, làm việc theo cách bàn giấy mà quên nhiệm vụ của mình là tuyên truyền, cổ động, giải thích và huấn luyện cho nhân dân.
- Các cấp thông tin tuyên truyền thường thi hành chỉ thị cấp trên một cách máy móc, không biết áp dụng theo hoàn cảnh thiết thực trong địa phương mình.
- Tuyên truyền không chủ trương thực tế mà hay nói những lý luận viển vông.
- Chưa có một chương trình, một kế hoạch thiết thực và đầy đủ về công tác cũng như về kiểm tra.
b. Báo chí có những khuyết điểm sau đây:
1. Về kỹ thuật: Có đôi tờ báo, khi thì rộng, khi thì hẹp, chữ in thì luộm thuộm, khó đọc, tên báo thì thường đổi khác (khi in thế này, khi in cách khác), thành thử tờ báo mất cả cái bản sắc của nó. Nhiều khi "tiếp theo trang sau" lộn xộn quá, làm cho người đọc khó tìm.
2. Về tin tức: Tin tức thế giới nhiều hơn tin tức trong nước. Có những tỉnh như Hà Giang, Lào Cai hoặc các tỉnh Trung Bộ hầu như không bao giờ có tin tức gì trên mặt báo. Các báo miền ngược không chú ý dân tộc thiểu số.
- Có khi đăng tin không xác thực.
- Không biết giữ bí mật. Thí dụ: đăng cả tên, hoặc số các bộ đội ta. Đăng rõ địa điểm và kết quả sau một cuộc địch ném bom.
3. Về văn chương: Quá dài dòng văn tự. Khô khan, kém hoạt bát lanh lợi. Không phổ thông. Hay dùng chữ Tàu mà không đúng nghĩa.
4. Về chính trị: Hay nói chính trị suông mà ít chú ý đến những vấn đề quan trọng khác, như kinh tế, văn hóa, xã hội.
- Không nắm được những vấn đề chính để giải thích cho dân. Thí dụ: vấn đề chính phủ bù nhìn, những việc cần thiết trước và sau khi địch tấn công.
Không biết lãnh đạo dư luận, không biết thúc đẩy và nâng cao tinh thần tranh đấu của nhân dân.
- Đôi khi sơ suất, cẩu thả, làm giảm giá trị tờ báo hoặc làm mất lòng người xem. Thí dụ: Tờ báo nọ đăng bài có đầu không đuôi. Tờ báo kia quên cả lịch sử, trận Đống Đa ngày 5 tháng Giêng âm lịch, thì viết là 10 tháng 11. Tờ báo khác đăng tin vị linh mục X hàng địch, kỳ thực vị ấy là một người tốt.
5. Về phát hành: Chậm chạp và thiếu thốn. Nhiều nơi, hàng tháng không có báo, không có tin tức.
6. Về địch vận: Còn rất kém, đối lính Pháp cũng như đối những người Việt lầm đường theo Pháp.
7. Về kinh nghiệm: Không biết trao đổi cho nhau. Vùng này có nhiều sáng kiến hay, đã lượm được kết quả tốt, mà vùng khác không biết bắt chước (những điều 5, 6, 7 thì báo chí cũng như thông tin tuyên truyền).
Nói tóm lại: Nội dung các tờ báo chưa phản ánh được sự sinh hoạt của các tầng lớp dân chúng, chưa thành tờ báo của dân chúng.
Tôi mong rằng, trong cuộc Hội nghị này, các đồng chí sẽ bàn định một chương trình thiết thực và đầy đủ để sửa chữa những khuyết điểm, phát triển những ưu điểm, để làm cho thông tin tuyên truyền và báo chí trở nên rất hoạt động. Mà muốn đạt mục đích đó thì đào tạo cán bộ mới là một vấn đề quan trọng cần phải giải quyết.
Tôi chắc rằng các đồng chí sẽ cố gắng để làm cho thông tin, tuyên truyền và báo chí làm tròn nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động, huấn luyện và lãnh đạo nhân dân"(7).
Với bức thư này, mỗi người làm báo cách mạng càng thấm thía điều phải luôn ghi nhớ là viết cho dân đọc, viết cho dân hiểu, viết để bồi đắp niềm tin của nhân dân vào thắng lợi của cách mạng - đây là nhiệm vụ nặng nề, nhưng rất vẻ vang. Do đó, có thể nói khái quát: Nhân dân là nhân vật trung tâm của báo chí cách mạng.
***
Trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước (từ Đại hội VI năm 1986 đến nay), dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay"(8). Trong thành tựu vĩ đại ấy, có sự đóng góp tích cực và quan trọng của đội ngũ những người làm báo. Cùng với việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, báo chí đã coi trọng phát hiện, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân; chú ý tổng kết, lan tỏa những kinh nghiệm hay, những việc làm tốt, những điển hình tiên tiến ở nhiều địa phương trên cả nước; qua đó, người đọc thấy rõ sức mạnh các phong trào một khi "ý Đảng hợp lòng Dân".
Từ đó, mỗi người làm báo càng thấm thía điều mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh, mọi chủ trương, chính sách đều phải "lấy dân làm gốc", phải xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Cùng với hoạt động nghiệp vụ là chính, các cơ quan báo, đài, tạp chí trong nhiều năm gần đây đã mở rộng phong trào hoạt động từ thiện - xã hội, tham gia hiệu quả chủ trương "xóa đói, giảm nghèo", không để các gia đình chính sách, những người có công với nước, các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bị bỏ lại phía sau. Hàng nghìn căn "nhà tình nghĩa", "sổ tiết kiệm tình nghĩa"..., mà nhiều cơ quan báo, đài dành tặng các đối tượng nêu trên, được duy trì thường xuyên, đã tạo hiệu ứng xã hội tích cực.
Trong hoạt động nghiệp vụ, báo chí đã và đang tham gia phản biện chủ trương, chính sách, phản ánh những điều còn bất cập, chưa đi vào cuộc sống của nhân dân; từ đó, đề xuất, kiến nghị để các cơ quan chức năng bổ sung, hoàn thiện. Trong công tác quản lý báo chí, đi đôi với việc biểu dương, khen thưởng, các cơ quan báo chí đã làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, các cơ quan chức năng cũng kịp thời xử lý một số tờ báo, tạp chí điện tử đưa thông tin không đúng sự thật, gây hoang mang trong dư luận xã hội. Sự trân trọng, tin yêu của nhân dân, của Đảng dành cho báo chí, là thước đo cụ thể về tính đảng, tính nhân dân của báo chí đang ngày càng được đề cao và tăng cường.
Như vậy, để xứng đáng với truyền thống của báo chí cách mạng trong gần 100 năm qua, NHÂN DÂN - nhân vật trung tâm của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc - cần được thể hiện sâu sắc, sinh động và thường xuyên hơn nữa trên mỗi trang báo và từng chương trình của các đài phát thanh, truyền hình của chúng ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Qua đó, tiếp tục thúc đẩy công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế đi vào chiều sâu, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nguyễn Hồng Vinh
(Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam)
_____________
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 463
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 210
(4), (5), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 163,
((2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 463 (3) 7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 479 - 482
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 25