III. Xây dựng và thực hiện ý thức tôn trọng nhân dân, chăm lo đời sống Nhân dân
1. Quan điểm của Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của Nhân dân và sự cần thiết phải tôn trọng Nhân dân, chăm lo đời sống Nhân dân
- Vị trí, vai trò của Nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Xuất phát từ những bài học lớn được rút ra từ chiều sâu của lịch sử dân tộc và sự tổng kết kinh nghiệm của phong trào cách mạng Việt Nam và thế giới, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vị trí và vai trò của quần chúng nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng dân tộc. Người coi nhân dân là nguồn gốc của mọi sức mạnh. Theo Người, "Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân" và "cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân", nhân dân là người quyết định vận mệnh của lịch sử trong sự nghiệp cách mạng.
Đặc biệt, từ sau thành công của cách mạng tháng Tám năm 1945, chế độ dân chủ cộng hòa ra đời, vị trí, vai trò của nhân dân lại càng được khẳng định. Quần chúng nhân dân từ địa vị thấp kém, bị khinh rẻ, cần được chăn dắt theo quan niệm của chế độ cũ đã trở thành người chủ của đất nước. Đây là giá trị khác biệt lớn nhất giữa nhà nước mới, chế độ mới với nhà nước cũ, chế độ cũ. Trong nước dân chủ thì địa vị cao nhất là dân, dân là quý nhất, lực lượng Nhân dân là mạnh nhất.
Theo Hồ Chí Minh, có dân là có tất cả, "vô luận việc gì, đều do người làm ra, từ nhỏ đến to, từ gần đến xa đều thế cả"; "Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng...".
Trên cơ sở nhận định về vai trò, vị trí to lớn của Nhân dân trong Nhà nước dân chủ như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, yêu kính Nhân dân, thật sự tôn trọng Nhân dân, quan tâm, chăm lo đời sống nhân dân. Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng, "Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta" và phận sự của đảng viên và cán bộ là phải tổ chức Nhân dân, lãnh đạo Nhân dân để giải phóng Nhân dân và nâng cao sinh hoạt, đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa cho Nhân dân. Chăm lo đời sống nhân dân là sứ mệnh của Đảng ngay từ khi ra đời. "Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng".
- Về tôn trọng Nhân dân. Muốn thật sự tôn trọng Nhân dân thì phải gần dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, đề cao ý dân, sức dân, bởi "Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên". Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Kinh nghiệm trong nước và các nước chứng tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong". Vì vậy, "đối với dân, ta đừng có làm gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy".
Bên cạnh đó, cần tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh. Bởi vì nguyên nhân của bệnh ấy là do cán bộ ta xa Nhân dân nên không hiểu biết tâm lý, nguyện vọng của Nhân dân. Khinh Nhân dân, cho là "dân ngu khu đen", bảo sao làm vậy, không hiểu được chính trị, lý luận cao xa như mình", "cho dân là dốt không biết gì, mình là thông thái tài giỏi".
(còn nữa)