II. Xây dựng và thực hiện phong cách công tác quần chúng, dân chủ, nói đi đôi với làm
1. Quan điểm của Hồ Chí Minh về phong cách công tác quần chúng, dân chủ, nói đi đôi với làm
Về phong cách công tác quần chúng. Xuất phát từ vấn đề có tính nguyên tắc về vai trò của quần chúng nhân dân "Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong", Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ, đảng viên phải có phong cách làm việc quần chúng.
Theo Người, phong cách công tác quần chúng tức là người cán bộ phải gần gũi quần chúng, lắng nghe và thấu hiểu mong muốn của quần chúng. Người cán bộ phải thường xuyên đi xuống cơ sở mình phụ trách, tìm hiểu thực trạng đời sống, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng. Người khẳng định: "Nếu xa rời dân chúng, không liên lạc chặt chẽ với dân chúng, cũng như lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại".
Tuy nhiên, phong cách quần chúng không có nghĩa là "theo đuôi quần chúng", vì theo Hồ Chí Minh, "Trong dân chúng, có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau". Vì vậy, người cán bộ phải có bản lĩnh vững vàng để vừa nâng cao trình độ giác ngộ, dân trí của quần chúng, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của một bộ phận quần chúng "chậm tiến", vừa thực hiện tốt vai trò lãnh đạo của mình.
Phong cách quần chúng Hồ Chí Minh là phải biết cách tổ chức phong trào phù hợp với trình độ, năng lực thực tế của quần chúng, không chủ quan, duy ý chí, áp đặt thực tiễn theo ý mình. Theo Người, "nếu cứ làm theo ý muốn, theo tư tưởng, theo chủ quan của mình, rồi đem cột vào cho quần chúng, thì khác nào "khoét chân cho vừa giầy… Ai cũng đóng giầy theo chân. Không ai đóng chân theo giầy".
Phong cách quần chúng của cán bộ, đảng viên thể hiện rõ trong các thói quen sinh hoạt hằng ngày. Người cán bộ phải giản dị, hòa đồng với quần chúng, không cho phép mình hưởng điều gì có tính chất "đặc quyền, đặc lợi". Người cảnh tỉnh những suy nghĩ lệch lạc trong cán bộ, rằng "phải ăn mặc bảnh mới giữ được oai tín, giữ được thể diện". Khi người cán bộ thấm nhuần tác phong quần chúng, họ sẽ được quần chúng nhân dân yêu thương, tin cậy, ủng hộ và khi đó, việc gì họ làm cũng thành công.
Về phong cách công tác dân chủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, phong cách dân chủ hay "cách làm việc dân chủ" là phong cách hàng đầu mà người cán bộ cần phải có. Người chỉ rõ: "Nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của các cơ quan Nhà nước trong chế độ ta" và "Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do". Vì thế, không khí dân chủ thực sự trong nội bộ phải được tạo ra bằng cách thành tâm lắng nghe và khơi gợi cho cán bộ, đảng viên, quần chúng, cấp dưới nói hết quan điểm, ý kiến của mình. Được như vậy thì cấp dưới và quần chúng mới hăng hái đề ra sáng kiến, "học hỏi sáng kiến của quần chúng để lãnh đạo quần chúng". Những sáng kiến đó được coi trọng, được khen ngợi thì những người có sáng kiến càng thêm hăng hái làm việc. Phong cách dân chủ của người cán bộ không chỉ khơi nguồn sáng tạo, phát huy tinh thần làm việc, cống hiến của cấp dưới và quần chúng nhân dân, mà còn làm cho tổ chức, cơ quan, đoàn thể thêm gắn bó.
Người có phong cách dân chủ là thực hành tốt nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách", đó cũng là cách "để phát huy trí tuệ và kinh nghiệm của nhiều người". Cán bộ không bao giờ được "độc tôn chân lý", phải thành thực lắng nghe ý kiến phê bình của cấp dưới và nghiêm túc sửa mình với tinh thần cầu thị, làm như vậy thì chắc chắn người cán bộ sẽ được Nhân dân yêu mến, cấp dưới nể trọng, sẵn sàng đóng góp sáng kiến.
Phong cách dân chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh là dân chủ có định hướng, có lãnh đạo, dân chủ phải đi đến sự tập trung chứ không phải dân chủ quá trớn, dân chủ vô tổ chức. Một trong những nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và sinh hoạt Đảng là "tập trung dân chủ". Nói về sức mạnh của dân chủ, Hồ Chí Minh từng nói: "thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn". Nếu người cán bộ không có tác phong dân chủ hoặc "Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối "quan" chủ" là họ tự tước đi của mình vũ khí hữu hiệu nhất để hoàn thành nhiệm vụ. Khi đó, dù có "đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị" mà công việc vẫn không chạy".
Phong cách dân chủ yêu cầu người cán bộ, đảng viên phải tin yêu và tôn trọng con người, chú ý lắng nghe ý kiến và giải quyết những kiến nghị chính đáng của quần chúng, sẵn sàng tiếp thu phê bình của quần chúng và sửa chữa khuyết điểm của mình.
Về phong cách công tác nói đi đôi với làm, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nói đi đôi với làm không chỉ là một chuẩn mực trong đạo đức truyền thống mà còn là chuẩn mực đạo đức công vụ tối thiểu. Với cán bộ, đảng viên, sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa đạo đức và nêu gương đạo đức cần đạt tới sự nhất quán trong công việc và trong đời sống riêng, giữa đạo đức người lãnh đạo và đạo đức đời thường. Địa vị càng cao, uy tín càng lớn, càng phải ra sức hoàn thiện về đạo đức, thống nhất giữa nói và làm. Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống; trong mọi lúc, mọi nơi, nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo.
Việc nói đi đôi với làm mang lại cho quần chúng lòng tin và sự tôn trọng đối với người cán bộ, do đó, người cán bộ dễ dàng thực thi quyền lãnh đạo của mình. Người phê phán những cán bộ "Chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được". Nhân dân không bao giờ tin cậy những cán bộ nói mà không làm, nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, nói một đằng làm một nẻo.
Theo Người, muốn rèn luyện được phong cách nói đi đôi với làm, người cán bộ phải thường xuyên tự kiểm điểm, soi xét chính mình, đồng thời phải khuyến khích cấp dưới và quần chúng nhận xét, phê bình góp ý cho mình, nhắc nhở mình về những điều mình đã hứa. Người cán bộ cũng phải biết tránh căn bệnh hình thức, bệnh "hữu danh, vô thực", chạy theo những thứ hào nhoáng bên ngoài.
2. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện phong cách công tác quần chúng, dân chủ, nói đi đôi với làm
a) Nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và thực hiện phong cách công tác quần chúng
- Cán bộ, đảng viên phải sâu sát cơ sở, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình và đơn vị mình phụ trách.
- Không quan liêu, xa rời quần chúng; không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân.
- Có trách nhiệm tham mưu ban hành các chủ trương, chính sách phù hợp với quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân.
b) Nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và thực hiện phong cách công tác dân chủ
- Cán bộ, đảng viên phải chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nguyên tắc tổ chức kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình.
- Trong tự phê bình không giấu giếm khuyết điểm, dám nhận khuyết điểm, khi có khuyết điểm thì thành khẩn, tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình không nể nang, né tránh, không ngại va chạm, thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh, không lợi dụng phê bình để lấy lòng nhau, nịnh bợ hoặc vu khống, không bôi nhọ, chì trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng.
- Không tham quyền lực, chấp hành nghiêm sự phân công của tổ chức, không kén chọn chức danh, vị trí công tác, chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó, sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi khó khăn. Không tìm cách để vận động, tác động để tranh thủ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cho cá nhân một cách không lành mạnh.
- Không mất đoàn kết nội bộ, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, không cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền, không độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo điều hành.
c) Nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và thực hiện phong cách công tác nói đi đôi với làm
- Cán bộ, đảng viên cần có ý thức nghiên cứu học tập và vận dụng chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các đợt sinh hoạt chính trị và cập nhật kiến thức mới.
- Không nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, của Nhà nước, hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng. Không xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo lãnh đạo. Có quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lập trường, không dao động trước khó khăn, thử thách.
- Không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, không có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Có lối sống trung thực, khiêm tốn, giản dị, chân thành, trong sáng. Có tinh thần đoàn kết, thương yêu đồng chí, đồng nghiệp.
- Không mắc bệnh thành tích, háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, đánh bóng tên tuổi, thích được đề cao, ca ngợi, không chạy thành tích, chạy danh hiệu.
Còn nữa