Năm 2021, tỉnh Ninh Bình phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 2.400 triệu USD. Tuy nhiên, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều nước và vùng lãnh thổ vẫn chưa mở cửa trở lại, gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp về thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu của nhóm hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ phần lớn xuất khẩu sang các thị trường chịu tác động lớn của dịch COVID-19 như Nhật Bản, EU và thị trường các nước Liên minh kinh tế Á - Âu.
Ở chiều nhập khẩu cũng gặp không ít khó khăn, nhiều doanh nghiệp sản xuất trong tỉnh đứng trước nguy cơ "đứt gãy chuỗi cung ứng"... Những khó khăn trên đã làm ảnh hưởng đến việc hoàn thành kế hoạch xuất khẩu của các doanh nghiệp nói riêng và tổng giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu của toàn tỉnh nói chung.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2021.
Đồng thời tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.
Trong đó chú trọng xây dựng và triển khai Kế hoạch phát triển thương mại điện tử năm 2021; hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn đăng ký chương trình bán hàng miễn phí trên các nền tảng Thương mại điện tử Việt Nam như sendo, tiki, lazada...; hỗ trợ tham gia chương trình xúc tiến bán hàng trên Nền tảng ECVN do Cục TMĐT và Kinh tế số hợp tác với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thực hiện.
Cùng với đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA); Quyết định kiện toàn Ban chỉ đạo Hội nhập quốc tế tỉnh. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối, hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp xuất khẩu trong tỉnh tham gia các khóa tập huấn, hội nghị trực tuyến do các bộ, ngành Trung ương tổ chức nhằm cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường.
Do đó, tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh năm 2021 ước đạt 2.965,6 triệu USD, tăng 9,8% so với năm 2020 và vượt 23,6% so với kế hoạch năm. Trong đó các mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn gồm: quần áo các loại 417,1 triệu USD; xi măng và clanke 612,1 triệu USD; giầy dép các loại 664,0 triệu USD; camera và linh kiện điện thoại 875,9 triệu USD; linh kiện điện tử 77,4 triệu USD; linh kiện phụ tùng ô tô 46,3 triệu USD.
Tổng giá trị nhập khẩu năm 2021 cũng tăng 7,0% so với năm 2020 ước đạt 3.186,5 triệu USD và vượt 2,8% so với kế hoạch năm. Trong đó, giá trị các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: linh kiện điện tử 901,5 triệu USD; linh kiện phụ tùng ô tô các loại 1.107,0 triệu USD; vải và phụ liệu may mặc 178,7 triệu USD; phụ liệu sản xuất giày dép 497,1 triệu USD; phế liệu sắt thép 146,8 triệu USD; máy móc thiết bị 105,0 triệu USD; ô tô 63,0 triệu USD... Qua đó đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp của tỉnh duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh, không bị "đứt gãy" chuỗi cung ứng.
Để có được kết quả này, Sở Công thương đã tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử để thích ứng linh hoạt với điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.
Đồng chí Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Sở đã hỗ trợ 3 đơn vị xây dựng website thương mại điện tử là: Công ty TNHH Đổi Mới; Công ty Cổ phần Thực phẩm Á Châu; HTX Hoa, cây cảnh nông sản Tam Điệp với tổng kinh phí hỗ trợ là 75 triệu đồng; Hỗ trợ 2 đơn vị xây dựng và phát triển gian hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử Alibaba là: Công ty TNHH Đổi Mới, Công ty Cổ phần Thực phẩm Á Châu với tổng kinh phí 60 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng tích cực hỗ trợ, hướng dẫn tạo điều kiện để các doanh nghiệp xuất khẩu làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) để hưởng các ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường các nước đã ký hiệp định FTA với Việt Nam, đặc biệt là thị trường EU.
Từ đầu năm đến nay, phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Ninh Bình đã tiếp nhận 37 bộ hồ sơ thương nhân và cấp trên 5.700 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) qua mạng, đạt 100% thủ tục hành chính mức độ 4; tiến hành các thủ tục xác minh 5 bộ C/O theo yêu cầu của hải quan Ấn Độ,…góp phần quan trọng thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của tỉnh.
Những nội dung hỗ trợ về thương mại điện tử rất thiết thực, giúp cho các đơn vị triển khai marketing online một cách hiệu quả, chuyên nghiệp để quảng bá, giới thiệu hình ảnh và sản phẩm của mình trên thị trường trong nước và thế giới.
Website và gian hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử của đơn vị sẽ cung cấp những thông tin một cách nhanh chóng, đầy đủ và chính xác, nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh của đơn vị, đồng thời giúp tiếp cận khách hàng mới, mở rộng thị trường, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh và góp phần hoàn thành kế hoạch xuất khẩu năm 2021 mà UBND tỉnh đã đề ra.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm