P.V: Xin đồng chí cho biết đôi nét về truyền thống của ngành Văn hóa - Thông tin (VHTT)?
Đồng chí Trịnh Xuân Hồng: Chỉ ít ngày sau khi cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội thắng lợi, ngày 28-8-1945 trong tuyên cáo của mình, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố thành lập Bộ Thông tin - Tuyên truyền (nay là Bộ VH,TT &DL). Cùng với các cơ quan văn hóa, thông tin, tuyên truyền trong cả nước, ngành VHTT Ninh Bình ngay sau khi ra đời đã bắt tay vào cuộc vận động xây dựng nền văn hóa mới, đấu tranh chống lại và xóa bỏ mọi ảnh hưởng của văn hóa nô dịch, thuộc địa. Trước bộn bề công việc của chính quyền mới thành lập, những cán bộ văn hóa tuyên truyền của tỉnh một mặt vừa xây dựng, củng cố lực lượng của ngành, mặt khác tổ chức các hoạt động thông tin - tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ nhằm vận động và cổ vũ nhân dân tăng gia sản xuất, tiết kiệm lương thực, phòng và chống đói, tích cực học tập diệt giặc dốt, tham gia đóng góp vào "Quỹ độc lập", "Tuần lễ vàng" ủng hộ chính quyền nhân dân.
Trong chín năm trường kỳ kháng chiến, thực hiện khẩu hiệu "Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến" đội ngũ cán bộ VHTT luôn có mặt trên khắp các địa bàn của tỉnh. Thông qua những hình thức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin tuyên truyền đã chuyển tải những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới người dân, đồng thời cổ vũ tinh thần sản xuất, chiến đấu, ý chí quyết thắng của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trong tỉnh.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954, Ninh Bình cùng cả nước bước vào giai đoạn mới xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong những năm đầu hòa bình lập lại ở miền Bắc, ngành VHTT đã cùng với các ngành, các cấp tích cực thực hiện nhiệm vụ khôi phục kinh tế, đấu tranh chống âm mưu phá hoại của các thế lực phản động, bài trừ tàn dư văn hóa phong kiến, thực dân, xây dựng nếp sống mới, tạo ra những sản phẩm văn hóa mới nhằm cải thiện và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, cổ vũ, động viên nhân dân xây dựng, phát triển kinh tế, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Đất nước thống nhất, ngành VHTT Ninh Bình cùng cả nước bước vào thời kỳ mới, thời kỳ hòa bình, độc lập, thống nhất, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và đã giành được những thành tựu đáng phấn khởi, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.
P.V: Phát huy truyền thống vẻ vang ấy, ngành VH,TT &DL tỉnh ta đã đạt được những kết quả nổi bật gì trong giai đoạn hiện nay?
Đồng chí Trịnh Xuân Hồng: Từ năm 2008 đến nay, sự nghiệp của ngành đã có những bước đi vững chắc. Các hoạt động VH,TT &DL luôn bám sát, phục vụ kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, KT-XH ở địa phương.
Công tác quản lý Nhà nước được đẩy mạnh, cơ sở vật chất, phương tiện, điều kiện làm việc của các đơn vị trong ngành ngày càng tốt hơn, các công trình văn hóa công cộng từ tỉnh tới xã, phường được cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới.
Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh mẽ, ngày càng thu hút đông đảo các tầng lớp, lực lượng xã hội tham gia. Người dân được hưởng thụ nhiều hơn các sản phẩm văn hóa do các đơn vị văn hóa Nhà nước mang lại, đồng thời cũng có điều kiện hơn trong việc tự tổ chức các hình thức hoạt động văn hóa, văn nghệ tại cộng đồng. Những hủ tục, lãng phí trong việc cưới, việc tang, lễ hội từng bước được khắc phục.
Các đô vật trẻ của Trung tâm TDTT tỉnh (thuộc Sở VH,TT & DL) dự giải vật tại Lễ hội Đinh - Lê được tổ chức hằng năm. Ảnh: Nguyễn Minh
Cuộc vận động thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đi vào nền nếp, phát triển vững chắc, mang lại hiệu quả xã hội tích cực. Đến năm 2010 toàn tỉnh có 201.344/245.761 gia đình (đạt 81,9%), 1.069/1.669 làng, khu phố (đạt 64,1%), các đơn vị (đạt 70,4%) được công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa", "Làng văn hóa", "Đơn vị văn hóa".
Công tác bảo tồn, bảo tàng, phát huy các di sản văn hóa được chú trọng đúng mức. Bên cạnh việc bảo vệ, tu bổ, tôn tạo các di tích ở địa phương, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành đã hoàn thành Quy hoạch tổng thể tu bổ, tôn tạo phát huy giá trị Khu di tích Cố đô Hoa Lư. Quy hoạch tổng thể này đã được Chính phủ phê duyệt. Đây là một dự án lớn, nó không chỉ thuần túy bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, mà còn có ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Sự nghiệp thể dục thể thao nhất là thể thao thành tích cao có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Với những thành tích và kết quả trên, liên tục từ năm 2007 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã được UBND tỉnh, Bộ VH,TT &DL tặng cờ thi đua xuất sắc. Năm 2009 được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc. Năm 2010, ngành vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động.
P.V: Thời gian tới những mục tiêu quan trọng nào sẽ được ngành hướng tới?
Đồng chí Trịnh Xuân Hồng: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, ngành VH,TT &DL tập trung triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của ngành được cấp trên giao cho, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành mục tiêu có 80% số hộ gia đình ở nông thôn, 70% làng, thôn, xóm đạt danh hiệu văn hóa. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa. Tiếp tục đầu tư xây dựng, củng cố các công trình văn hóa công cộng, tạo điều kiện để nhân dân trực tiếp tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại cơ sở, cộng đồng dân cư. Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của địa phương, trong đó tập trung tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa; thực hiện nghiên cứu bảo tồn và giới thiệu phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Thu Hằng (Thực hiện)