Năm 2017, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại xây dựng kế hoạch và tích cực triển khai chương trình khuyến công địa phương đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình phê duyệt, nhằm hỗ trợ cho 38 đề án của 29 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí thực hiện là hơn 3,8 tỷ đồng.
Nhiều nội dung khuyến công được triển khai linh hoạt như: Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động tại địa phương; hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (gồm: tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, tham gia hội chợ trong nước, hỗ trợ phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm); hỗ trợ tư vấn, cung cấp thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho thành viên HTX; tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và xây dựng bộ ấn phẩm về cụm công nghiệp tỉnh Ninh Bình; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý và năng lực tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công; hỗ trợ về công tác xét duyệt công nhận làng nghề, nghệ nhân, kiểm tra tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các làng nghề được công nhận; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất thép định hình; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất cho 3 doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn.
Theo đánh giá từ đối tượng thụ hưởng, các đề án được thực hiện sát với nhu cầu, phát huy hiệu quả, giúp các cơ sở đầu tư đúng hướng, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời tạo thêm việc làm cho người lao động.
Đặc biệt, các đề án hỗ trợ đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất đã giúp doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn tiếp cận với công nghệ sản xuất mới, hiện đại, qua đó vận hành nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Ngoài ra, hoạt động khuyến công đã hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu; có những kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, thông tin thị trường... từ đó tìm kiếm được nhiều bạn hàng lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống ở khu vực nông thôn.
Theo đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, đạt được những kết quả trên là do Trung tâm đã bám sát và nắm chắc tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn.
Đồng thời rà soát tình hình hoạt động, nhu cầu hỗ trợ và đăng ký, đề xuất của các doanh nghiệp, từ đó xây dựng kế hoạch sát với thực tế. Trong quá trình thực hiện, Trung tâm thường xuyên tiến hành theo dõi tiến độ, kiểm tra, giám sát, thẩm định đề án khuyến công địa phương để kịp thời có những điều chỉnh phù hợp.
Năm 2017, Trung tâm đã điều chỉnh dừng thực hiện 2 đề án để chuyển sang thực hiện 2 đề án khác và điều chỉnh nội dung, kinh phí thực hiện của 1 đề án. Ngoài ra, Trung tâm còn thường xuyên tổ chức đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác khuyến công, tăng cường phối hợp, xây dựng mạng lưới cộng tác viên cơ sở.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động khuyến công vẫn còn khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện. Việc xây dựng kế hoạch và thẩm định cấp kinh phí khuyến công còn chậm so với kế hoạch, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các đề án.
Một số nội dung hoạt động khuyến công chưa được triển khai, như mô trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, xử lý ô nhiễm môi trường ở cụm công nghiệp, làng nghề. Đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công cấp huyện chưa được bố trí đầy đủ, phải kiêm nhiệm nhiều việc, ảnh hưởng lớn tới hiệu quả khuyến công.
Các đơn vị được thụ hưởng nguồn kinh phí khuyến công là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mới thành lập từ các hộ kinh doanh cá thể nên việc cập nhật hóa đơn chứng từ còn hạn chế, khó khăn trong thanh quyết toán kinh phí. Bên cạnh đó, việc triển khai các nội dung hoạt động khuyến công chưa đa dạng và phong phú, quy mô và chất lượng các đề án khuyến công chưa được nâng cao.
Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tập trung thực hiện tốt các nội dung, kế hoạch năm 2018. Trong đó ưu tiên hỗ trợ các mô hình sản xuất các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn các xã xây dựng nông thôn mới, các xã có điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sử dụng vật liệu tại chỗ, nguyên vật liệu tái tạo và sử dụng nhiều lao động.
Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thuộc các lĩnh vực ngành nghề: Sản xuất các sản phẩm cơ khí, nhất là sản phẩm cơ khí phục vụ nông nghiệp; sản xuất chế biến các sản phẩm nông, lâm, hải sản; sản phẩm vật liệu xây dựng (gạch không nung); các sản phẩm có tiềm năng phục vụ tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu.
Hỗ trợ phát triển nghề, làng nghề truyền thống: Triển khai quy hoạch phát triển nghề, làng nghề kết hợp với du lịch; công tác xét duyệt công nhận làng nghề, nghệ nhân cấp tỉnh; hỗ trợ thiết kế mẫu mã sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm; xây dựng thương hiệu hàng hóa; tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh…
Hồng Giang