Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hà Quang Điệp - Giám đốc Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Ninh Bình cho biết: Hoạt động khuyến công trong những năm vừa qua chủ yếu tập trung vào khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, đào tạo nghề, trình diễn mô hình, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia triển lãm, tạo liên doanh liên kết với các doanh nghiệp nông thôn để cùng nhau phát triển. Trong năm 2010, tổng kinh phí khuyến công trên địa bàn đạt ,993 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công Quốc gia là 1,419 tỷ đồng, kinh phí khuyến công địa phương là 574 triệu đồng. Trong lĩnh vực đào tạo nghề, trung tâm chú trọng đầu tư vào những ngành nghề chính như thêu ren, chế tác đá mỹ nghệ và chế biến cói. Đặc thù đào tạo nghề của hoạt động khuyến công khác với đào tạo nghề ở các lĩnh vực khác là luôn gắn liền với nhu cầu lực lượng của doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp khi tham gia đào tạo nghề cũng phải đóng góp một phần kinh phí trong hoạt động đào tạo nghề. Hoạt động đào tạo nghề, truyền nghề đã gắn với giải quyết việc làm, tạo thu nhập, hàng ngàn lao động nông thôn sau khi được đào tạo nghề đã có công ăn việc làm, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở đại phương.
Bên cạnh đó, trung tâm cũng chú trọng đến các hoạt động khác như xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới. Trung tâm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nguồn vốn rất lớn để phát triển CN -TTCN địa phương. Năm 2010, Trung tâm đã hỗ trợ 4 doanh nghiệp đầu tư trình diễn mô hình (mô hình trình diễn kỹ thuật cán tôn, dập xà gồ thép của công ty TNHH sản xuất và thương mại dịch vụ Phương Thành An; sản xuất, gia công các thiết bị, máy móc phục vụ ngành sản xuất xi măng của công ty TNHH xây dựng và thương mại Nam Thành; sản xuất đá ốp lát, đá mỹ nghệ xuất khẩu của DNTN Đàm Khánh; sản xuất gạch Tuynel của công ty TNHH Trường Thành) với tổng vốn đầu tư trên 170 tỷ đồng để mở doanh nghiệp sản xuất CN - TTCN, trong đó nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ là 909 triệu đồng.
Ngoài ra, Trung tâm còn hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các đơn vị sản xuất CN-TTCN, hỗ trợ tham gia triển lãm,... Ông Hoàng Trọng Hiếu - Chủ tịch UBND xã Ninh Vân cho biết: Cùng với sự phát triển kinh tế của tỉnh nhà, trong những năm qua làng nghề đã mỹ nghệ Ninh Vân phát triển rất sôi động. Trong đó có phần đóng góp không nhỏ của công tác khuyến công. Để tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp đầu tư, phát triển, trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Ninh Bình đã có những hoạt động hỗ trợ rất thiết thực và hiệu quả như: Nhân dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, trung tâm đã hỗ trợ xã Ninh Vân đặt một gian hàng tại lễ hội cố đô Hoa Lư; hỗ trợ cho làng nghề mở trang web để giới thiệu và quảng bá sản phẩm của làng nghề, đến nay đã có 47 doanh nghiệp, hộ cá thể đăng tải thông tin trên webside; hỗ trợ làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân một khu trưng bày ngoài trời với các sản phẩm đầy chất nghệ thuật của các nghệ nhân, thợ giỏi trong làng nghề đá Ninh Vân tham gia triển lãm 28 tỉnh khu vực phía Bắc hàng Công nghiệp Nông thôn tổ chức tại Bắc Ninh. Thông qua hội trợ nhằm quảng bá, giới thiệu một số sản phẩm tiêu biểu, thế mạnh của Ninh Bình với các tỉnh bạn, khách nước ngoài.
Đồng chí Hà Quang Điệp, cho biết thêm: Bước sang năm 2011, để công nghiệp nông thôn ngày càng phát triển và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, Trung tâm tiếp tục chú trọng đầu tư vào 3 chương trình: chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật; chương trình đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề; chương trình hỗ trợ liên doanh, liên kết hợp tác kinh tế và phát triển các cụm công nghiệp. Trong phát triển nghề, trung tâm hỗ trợ tạo mới mẫu mã một số sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm phục vụ khách du lịch đến Ninh Bình như: Tranh đá mỹ nghệ, cói, thêu,.. Tạo mối liên doanh liên kết với một số doanh nghiệp để tạo ra một số sản phẩm đặc chủng phục vụ khách du lịch tốt hơn. Đối với đầu tư trình diễn mô hình, tiếp tục hỗ trợ và động viên các doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, tạo ra những sản phẩm tốt hơn phục vụ cho công tác xuất khẩu hoặc các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam có nhu cầu mua những sản phẩm công nghiệp phụ trợ thay thế nhập khẩu
Bài, ảnh: Hương Giang