Có mặt tại điểm tiêm Trường THPT Hoa Lư A vào ngày thứ hai của đợt tiêm chủng, chúng tôi nhận thấy, công tác chuẩn bị cho việc tiêm phòng được thực hiện bài bản, đúng quy trình. Em Nguyễn Ngọc Khương, học sinh lớp 11A cho biết: "Trước đó, chúng em đã được cán bộ Trung tâm y tế huyện và y tế nhà trường tuyên truyền về việc cần thiết phải tiêm phòng hai loại vắc xin này, sẽ giúp chúng em phòng, chống được hai căn bệnh nguy hiểm là sởi và rubella, nhất là ở lứa tuổi tiền hôn nhân như chúng em, từ đó em rất sẵn sàng cho việc tiêm phòng và thực hiện đầy đủ, nghiêm ngặt theo hướng dẫn của các y, bác sỹ đến thăm khám, thực hiện tiêm…" Cô giáo Tống Thị Nguyệt, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoa Lư A cho biết: Được sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, kế hoạch của Sở Y tế về triển khai tiêm vắc xin sởi - rubella cho học sinh, nhà trường đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Hoa Lư xây dựng kế hoạch tiêm chủng cho các em. Toàn trường có trên 700 học sinh lứa tuổi 16-17, được bố trí tiêm trong 2 ngày (21 và 22-4). Nhà trường cũng tạo điều kiện về cơ sở vật chất như phòng, điện nước, ánh sáng và sắp xếp, tập hợp các em học sinh theo khối lớp để việc tiêm chủng diễn ra an toàn, thuận lợi, nhanh chóng.
Bác sĩ Phạm Văn Phú, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hoa Lư cho biết: Huyện Hoa Lư có hơn 1 nghìn đối tượng học sinh từ 16-17 tuổi được tiêm vắc xin sởi - rubella đợt này, bao gồm học sinh lớp 11 và 12 của các Trường THPT Hoa Lư A, THPT Trần Hưng Đạo và Trung tâm GDTX huyện.
Để công tác tiêm phòng đạt hiệu quả, đúng đối tượng, trước đó, Trung tâm Y tế huyện đã xây dựng kế hoạch gửi cho các trường để cùng phối hợp thực hiện, trong đó đã thực hiện tốt công tác rà soát đối tượng, lên danh sách, thẩm định điểm tiêm để chuẩn bị sẵn sàng cho chiến dịch.
Trung tâm đã thành lập 3 điểm tiêm tại các trường, bố trí đầy đủ các phòng theo yêu cầu, gồm phòng chờ trước tiêm, phòng khám sàng lọc trước tiêm, phòng tiêm và phòng theo dõi sau tiêm. Trung tâm cũng đã huy động đầy đủ cán bộ, y, bác sỹ Trung tâm và các trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn huyện để tổ chức phục vụ chiến dịch. Sau 2 ngày tổ chức tiêm phòng, với hơn 1 nghìn liều vắc xin được cấp, Trung tâm đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tiêm chủng.
Để đạt được mục tiêu chiến dịch, ngành Y tế đã phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục - Đào tạo chuẩn bị tốt các điều kiện nhằm thu hút đông nhất số học sinh đến tiêm chủng, góp phần phòng, chống bệnh sởi và rubella. Theo đó, ngành Y tế đã phối hợp với ngành Giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để các em học sinh, phụ huynh học sinh hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tiêm chủng phòng, chống bệnh sởi và rubella. Sở Y tế cũng chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố phối hợp với trạm y tế các xã, phường, thị trấn, các trường THPT, Trung tâm GDTX, các trường dạy nghề rà soát danh sách các đối tượng, nhằm đảm bảo tất cả đối tượng đều được lập danh sách, tránh bỏ sót, ảnh hưởng đến quyền lợi được phòng, chống dịch bệnh của trẻ.
Đồng thời, để chiến dịch triển khai đảm bảo chất lượng và an toàn tiêm chủng, Sở Y tế cũng đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế tuyến huyện và giao cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tổ chức tập huấn cho cán bộ tuyến xã về kế hoạch triển khai chiến dịch, bảo quản vắc xin, giám sát, xử lý phản ứng sau tiêm.
Cùng với đó, Sở Y tế cũng thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát ở tất cả 35 điểm tiêm chủng trên địa bàn, phân công cán bộ giám sát quy trình tiêm chủng, chỉ đạo đảm bảo các điểm tiêm đều có sẵn cơ số thuốc cấp cứu, bố trí cán bộ y tế tổ chức khám sàng lọc và chỉ định tiêm, cung ứng đầy đủ vắc xin, vật tư tiêu hao cho các điểm tiêm, đảm bảo phục vụ đầy đủ cho chiến dịch.
Đặc biệt, xác định việc tổ chức các điểm tiêm lưu động tại các trường học sẽ gặp khó khăn hơn tại trạm y tế vì không có sẵn cơ sở vật chất, Trung tâm y tế và các trạm y tế đã phối hợp với các trường học, bố trí điểm tiêm bảo đảm đủ các phòng theo quy định như: có phòng tiếp đón chờ trước tiêm, phòng tư vấn, khám phân loại, phòng chỉ định tiêm và phòng theo dõi sau tiêm với hình thức tiêm cuốn chiếu.
Ngoài việc rà soát bổ sung dụng cụ, vật tư cần thiết phục vụ tiêm chủng như tủ lạnh, phích lưu trữ vắc xin, bơm kim tiêm, hộp chống sốc…, tại các điểm tiêm đều bố trí, phân công nhiệm vụ chi tiết cho từng cán bộ, nhân viên y tế và giáo viên nhà trường để cùng phối hợp tham gia phục vụ tốt nhất cho công tác tiêm chủng.
Theo kết quả điều tra, toàn tỉnh có hơn 17.300 đối tượng đủ 16-17 tuổi đang theo học lớp 11 và 12 tại các trường THPT, Trung tâm GDTX và các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh năm học 2015-2016 thuộc đối tượng được tiêm. Đến thời điểm hiện nay, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã cung ứng gần 20 nghìn liều vắc xin sởi - rubella phục vụ chiến dịch và đầy đủ các loại bơm kim tiêm, hộp an toàn, hộp chống sốc, giấy xác nhận tiêm chủng và hàng nghìn băng zôn, tờ rơi tuyên truyền về bệnh sởi, rubella cho các nhà trường và điểm tiêm. Các điểm tiêm cũng đã cơ bản tiêm hết đối tượng trong chiến dịch, chỉ còn lại số ít các điểm tiêm thực hiện tiêm vét nốt những đối tượng chưa tiêm do sức khỏe không đảm bảo, gia đình có việc…
Với sự chuẩn bị chu đáo về nhân lực và vật lực, Ninh Bình đã thực hiện hiệu quả chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella cho đối tượng 16-17 tuổi, hoàn thành mục tiêu trên 90% số đối tượng được tiêm, bảo đảm chất lượng tiêm chủng và các yêu cầu về an toàn tiêm chủng theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Hạnh Chi