Nghề của sự kỳ công, tỉ mỉ
Ruộng hoa cúc của gia đình ông Điền Văn Mẫn (thôn Đoài Thượng) đang là chính vụ nên hàng ngày đều được chăm sóc, cắt tỉa kỹ càng để có thể đưa ra thị trường những bông hoa tươi, đẹp nhất. Vừa chăm chú cắt tỉa những luống hoa, ông Mẫn cho biết: Với 4 sào hoa các loại như: cúc, hồng, lay ơn vào chính vụ quanh năm và thêm vụ hoa ly vào thời điểm tết nguyên đán… với người trồng hoa như ông, công việc chẳng khác nào người chăm con mọn. Hàng ngày phải có mặt thường xuyên tại ruộng hoa để theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của hoa, theo dõi tình hình sâu bệnh. Nếu lơ là đi một vài ngày, có khi công sức của bao ngày tháng đổ "xuống sông, xuống biển", chưa kể vốn, giống. Để gắn bó được với nghề trồng hoa, người nông dân Ninh Phúc ngoài việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các hộ còn phải đi nhiều tỉnh, thành có nghề trồng hoa nổi tiếng ở Hà Nội, Vĩnh Phúc để học hỏi kinh nghiệm, bí quyết trồng hoa sao cho đẹp, bông nở đúng thời điểm để cho thu hoạch… ở làng hoa Ninh Phúc, không ai là không nhắc đến bác Trịnh Văn Điền như một "lão nông" kỳ cựu trong nghề trồng hoa. Bác Điền chia sẻ: Nghề trồng hoa đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ mà nếu như là người nóng vội thì không thể gắn bó với nghề được. Trong quá trình trồng hoa, có những kinh nghiệm mình có thể học hỏi được, nhưng có những kinh nghiệm hoàn toàn do chính quá trình gắn bó với hoa mà hình thành. Như công nghệ thắp điện 24/24 giờ để kích thích sự tăng trưởng và phát triển của cây chính là kinh nghiệm do bà con làng hoa Ninh Phúc đúc rút ra. Cách làm này áp dụng khi cây còn nhỏ, còn khi cây đạt chiều cao theo tiêu chuẩn thì không thắp điện nữa. Hay như kinh nghiệm nếu để hoa nở đúng thời điểm như Tết nguyên đán chẳng hạn, phải tỉa bớt nụ đi thì hoa mới nở to, mỡ màng. Trồng hoa đòi hỏi người nông dân sự cầu kỳ, tỉ mỉ là vậy, không đơn giản như một số cây trồng khác cứ bón phân, tưới nhiều nước là cây sinh trưởng tốt.
Cần lực đẩy để vươn xa
Nhiều hộ trồng hoa ở Ninh Phúc vẫn nhớ, cách đây hơn 30 năm, khi phong trào trồng cây màu ở một số địa phương khác trong tỉnh dần phát triển, có sự cạnh tranh giữa cây rau màu Ninh Phúc với rau màu Yên Khánh, Yên Mô… Một số hộ nông dân Ninh Phúc đã mạnh dạn chuyển đổi hướng sản xuất sang trồng hoa. Ban đầu chỉ là sự thử nghiệm của một số hộ, nhưng rồi hiệu quả từ trồng hoa đạt khá cao so với loại các cây khác nên nhiều hộ làm theo. Dần dần đã thu hút số lượng lớn hộ trồng hoa như bây giờ. Hiện cả xã đã có khoảng 300 hộ trồng hoa với diện tích trên 20 ha. Đến làng hoa Ninh Phúc dịp này, khi Tết Nguyên đán còn cách xa nhưng lượng hoa cung cấp cho thị trường hàng ngày vẫn được các hộ nông dân nơi đây đáp ứng đầy đủ. Những bông hoa mới cắt từ ruộng còn tươi rói được bao gói cẩn thận, nhanh chóng đến với người tiêu dùng. Ngoài cách bảo quản thủ công như vậy, người trồng hoa Ninh Phúc chưa hề có được kinh nghiệm hay công nghệ nào hỗ trợ trong quá trình bảo quản hoa, hay làm sao để có được sản phẩm đạt chất lượng cao, được những thị trường "khó tính" như Hà Nội, Hải Phòng chấp nhận… Mặc dù có thế mạnh với một số loại hoa truyền thống, nhưng nếu so sánh với hồng Vĩnh Phúc, Hà Nội, ly Hà Nội… thì hoa hồng, hoa ly ở đây bông chưa to, đẹp đều. Những điều này cho thấy việc trồng hoa ở địa phương này vẫn còn manh mún, thiếu tính chuyên nghiệp do "mạnh ai nấy làm". Mặc dù được đánh giá là nghề cho thu nhập phải gấp 10 lần so với trồng lúa nhưng trồng hoa lại là nghề "kén" người làm nên trong tổng số lao động trong độ tuổi cả xã, mới chỉ có khoảng 600 lao động tham gia…
Vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự án "Xây dựng vùng chuyên canh sản xuất hoa" với quy mô lớn và đang kêu gọi xúc tiến đầu tư để có thể triển khai thực hiện trong thời gian tới với mục tiêu góp phần nâng cao giá trị nghề trồng hoa, đưa làng hoa Ninh Phúc sánh ngang với các làng hoa nổi tiếng trong cả nước. Theo nội dung dự án, vùng chuyên canh sản xuất hoa Ninh Phúc có diện tích khoảng 50 ha, công suất sản xuất khoảng 50 triệu bông hoa/năm với nguồn vốn đầu tư khoảng 30 triệu USD. Với công nghệ sản xuất, bảo quản, đóng gói hiện đại, theo dây chuyền "khép kín" sẽ góp phần chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa nghề trồng hoa tại Ninh Phúc hiện nay. Trao đổi với các đồng chí lãnh đạo xã Ninh Phúc, được biết thêm: Ninh Phúc có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng vùng chuyên canh sản xuất hoa do điều kiện tự nhiên, đất đai mầu mỡ, nguồn nước đảm bảo, thuận tiện cho giao thông, vận chuyển… Đồng thời, xã có nguồn lao động dồi dào, nhiều gia đình đã có hàng chục năm kinh nghiệm trồng và gắn bó với hoa sẽ là những điều kiện thuận lợi để dự án được triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương luôn tạo thuận lợi mọi mặt về cơ chế, chính sách… để các nhà đầu tư yên tâm khi quyết định đầu tư cho dự án. Hiện địa phương đã quy hoạch diện tích đồng màu trên 20 ha ở 2 thôn Đoài Thượng và Đoài Hạ là những khu vực phù hợp với việc canh tác hoa tập trung, quy mô. Dự án khi đi vào hoạt động không chỉ mang lại một diện mạo mới cho làng hoa Ninh Phúc, mà còn giúp người trồng hoa nơi đây có cơ hội được tiếp cận với khoa học, kỹ thuật để có thể trồng được những loại hoa cho giá trị, năng suất cao, từng bước đưa thương hiệu hoa Ninh Phúc vươn xa trên thị trường trong cả nước.
Phan Hiếu