Tuy nhiên, trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp của một bộ phận không nhỏ phụ nữ còn thấp chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Chính vì vậy, việc thực hiện tốt Nghị quyết số 11-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị (khóa X) về "Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" là điều rất cần thiết.
Các cấp ủy Đảng từ huyện đến cơ sở xác định công tác phụ nữ là nhiệm vụ quan trọng trong công tác vận động quần chúng, là một trong những tiêu chuẩn đánh giá chất lượng Đảng bộ, chi bộ, cán bộ, đảng viên. Kết quả cho thấy, việc nâng cao chất lượng về mọi mặt cho cán bộ nữ và công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ nữ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010-2015, nữ chiếm tỷ lệ 21,6%, tăng 5,5% so với nhiệm kỳ trước; tỷ lệ đại biểu nữ HĐND cấp huyện tăng 3,33% so với nhiệm kỳ trước. Các cấp ủy cũng quan tâm bổ nhiệm cán bộ nữ với tỷ lệ 35,7% cán bộ nữ cấp trưởng, phó phòng ban, ngành, đoàn thể của huyện; cấp cơ sở nữ giữ chức vụ chủ chốt chiếm 6,5%...
Các cấp chính quyền trong huyện đã triển khai có hiệu quả kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ, tạo mọi điều kiện để thực hiện tốt các quyền cơ bản và phát huy vai trò của phụ nữ. Kết quả đáng ghi nhận đầu tiên phải kể đến là việc thực hiện cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ cán bộ nữ đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị.
Thông qua tổ chức Hội đã có 4.500 lượt phụ nữ được vay với tổng số vốn hơn 50 tỷ đồng, giúp 174 chị thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo do phụ nữ đứng chủ giảm còn 4,5%.
Các ban, ngành đã phối hợp với các cấp Hội tổ chức 62 lớp dạy nghề cho 3.732 phụ nữ, sau đào tạo số lao động này có việc làm và thu nhập ổn định bình quân từ 20-50 nghìn đồng/người/ngày. Trong đó có nhiều doanh nghiệp do phụ nữ đứng chủ, tiêu biểu như Doanh nghiệp thêu Minh Trang, Công ty TNHH một thành viên may Đức Huân… đã tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động nữ với mức lương từ 1,5-3 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó công tác chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ cũng được đánh giá là triển khai thực hiện có hiệu quả.
Trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 11, vai trò của Hội Phụ nữ các cấp cũng được thể hiện rõ nét với việc thường xuyên nắm tình hình, tâm tư nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của hội viên, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng xem xét, giải quyết thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới.
Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, đa dạng hóa các hình thức tập hợp phụ nữ, quan tâm đến quyền và lợi ích thiết thực của hội viên như chuyển giao KHKT, dạy nghề, giải quyết việc làm, các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Những nội dung này được cụ thể hóa thông qua nhiều phong trào thi đua sôi nổi, đặc biệt là phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc".
Từ năm 2007 đến nay, toàn huyện đã kết nạp được 1.200 hội viên mới, nâng tổng số hội viên lên 13.059 người, đạt tỷ lệ 80,2% (năm 2006 tỷ lệ này chỉ đạt 71%). Hàng năm, Hội phụ nữ huyện Hoa Lư và 100% Hội cơ sở đạt vững mạnh.
Duy Hiền