Toàn huyện hiện có 63 trạm bơm, 158 máy bơm với tổng công suất 295.460 m3/h, trong đó: HTX quản lý 41 trạm, 71 máy bơm với tổng công suất 100.360 m3/h; Chi nhánh KTCTTL huyện quản lý 19 trạm, 87 máy bơm với tổng công suất 195.100 m3/h.
Hệ thống kênh mương toàn huyện dài 451,83 km, gồm có: 148,83 km là kênh tưới, 135,95 km là kênh tiêu, số còn lại là kênh tưới tiêu kết hợp. Tỷ lệ kênh mương đã kiên cố hóa (do xã quản lý) đạt 89,01%. Hệ thống thủy lợi của các xã, thị trấn được thiết kế và xây dựng phù hợp với quy hoạch thủy lợi chung của toàn huyện và đảm bảo tưới tiêu cho trên 6.000 ha đất canh tác hàng năm.
Trên địa bàn huyện có 8 tuyến đê sông với tổng chiều dài là 55,58 km; có 1 âu thuyền (âu thuyền sông Chanh) và 40 cống dưới đê. Hiện tại các công trình cơ bản đáp ứng yêu cầu của công tác PCTT, nhưng cần quan tâm phương án hộ đê, nhất là các tuyến đê nội đồng: Sông Vạc, sông Vó, cầu Vạn Lê... và phương án bảo vệ cống Cam Giá trên đê hữu Đáy. Đây là những trọng điểm của công tác PCTT của huyện.
UBND huyện cũng đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp & PTNT, Hạt Quản lý đê Hoa Lư tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các xã trên địa bàn xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo thẩm quyền, đúng theo Nghị định 129/2007/NĐ-CP và Nghị định 04/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo đó, trong năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017, các cơ quan chức năng của huyện đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản xử lý 12 tổ chức và cá nhân vi phạm hành lang thoát lũ, giải tỏa dứt điểm 1 trường hợp vi phạm trên đê Trường Yên (khai thác đất) và 2 trường hợp trên đê hữu Đáy (tập kết cát trái phép); lập biên bản vi phạm yêu cầu giải tỏa các bãi tập kết cát, sỏi, than và công trình xây dựng trái phép trong hành lang bảo vệ đê của 9 tổ chức và cá nhân.
Để chủ động ứng phó với thiên tai, ngay từ đầu năm kế hoạch, UBND huyện Hoa Lư đã kiện toàn lại Ban chỉ huy PCTT và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; xây dựng và phê duyệt các phương án PCTT&TKCN năm 2017; chỉ đạo các địa phương, đơn vị xây dựng các phương án PCTT&TKCN năm 2017 phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và đơn vị mình; chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác PCTT.
Theo đó, vật tư dự trữ bao gồm: 9 nhà bạt, 5.700 chiếc bao tải, 255 áo phao và 150 phao cứu sinh, 60 mai cuốc xẻng. Một số loại vật tư khác như: Đá hộc, bạt chống sóng, bao nilong, vải lọc, rọ thép... phục vụ cho hộ đê hữu Đáy và đê Trường Yên sẽ được huy động từ kho Ninh Giang khi có yêu cầu và lệnh của tỉnh.
Về phượng tiện, các địa phương trong huyện dự kiến bố trí 150 xe ô tô các loại, 27 máy xúc, 100 thuyền. Về lực lượng, ngoài lực lượng xung kích hộ đê có khoảng 400 người thì các xã, thị trấn chuẩn bị sẵn sàng khoảng 4.150 người khi cần có thể huy động; trường hợp khẩn cấp, huyện sẽ xin chi viện của lực lượng quân đội thường trực bảo vệ các trọng điểm theo phương án PCTT chung của tỉnh và theo hiệp đồng tác chiến giữa huyện và các đơn vị quân đội.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện cũng cho biết: Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn huyện đã được tỉnh đầu tư 5 dự án thuộc lĩnh vực thủy lợi nhằm phục vụ cho công tác PCTT với tổng mức đầu tư là 53,2 tỷ đồng, như: Dự án sửa chữa nâng cấp tuyến đê quai Đồng Chiều-Vạn Lê, xã Ninh Vân; nạo vét kênh tưới tiêu trạm bơm Thiện Dưỡng và Cửa Đình xã Ninh Vân... Đến nay các dự án đã cơ bản hoàn thành theo đúng tiến độ với khối lượng hoàn thành ước đạt 80%.
Để nâng cao năng lực PCTT, ứng phó kịp thời với diễn biến của bão, gió, úng, lụt; đồng thời phục vụ cho sản xuất, dân sinh của nhân dân trong vùng, huyện đề nghị tỉnh và các ngành chức năng đôn đốc, chỉ đạo các nhà đầu tư, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ các dự án trên và sớm triển khai cải tạo, nâng cấp cống Cam Giá; sớm triển khai xây dựng lại trạm bơm và cầu Vạn Lê, xã Ninh Vân; quan tâm, bố trí kinh phí hoàn chỉnh các trạm bơm: Côi Khê (Ninh Hải), Cầu Nấm (Ninh Thắng).
Đinh Chúc