PV: Thưa đồng chí, 6 năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng NTM, huyện Hoa Lư đã đạt được những kết quả nổi bật gì?
Đ/c Bùi Duy Quang: Hoa Lư là huyện bán sơn địa, nằm ở vị trí trung tâm của tỉnh Ninh Bình. Trước khi thực hiện Chương trình Xây dựng NTM, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn; Tỷ lệ hộ nghèo cao, sản xuất kém phát triển; Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn chỉ đạt 12,05 triệu đồng/người/năm.
Hệ thống cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, một số tuyến đường thường xuyên lầy lội vào mùa mưa, lũ; Một bộ phận người dân phải sử dụng nước chưa đảm bảo vệ sinh; Cơ sở vật chất trường học, trạm y tế, văn hóa chưa đáp ứng tốt nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa của nhân dân; Tình hình an ninh, trật tự xã hội tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu của nhân dân…
Trước thực trạng trên, huyện xác định xây dựng NTM là giải pháp quan trọng và có tính chiến lược để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, là điều kiện để xây dựng Hoa Lư trở thành đô thị trong tương lai.
Huyện đã chủ động thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tổ chức lại sản xuất; huy động các nguồn lực cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Sau gần 6 năm, Chương trình đạt kết quả khả quan ở các lĩnh vực, đặc biệt có chuyển biến từ nhận thức, ý thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng NTM, tạo thành phong trào có sức lan tỏa. Từ chỗ bình quân toàn huyện chỉ đạt 6,5 tiêu chí/xã (năm 2011) đến nay 100% số xã trong huyện đã đạt chuẩn NTM.
Các đồ án quy hoạch, đề án xây dựng NTM được triển khai đồng bộ; cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh; sản xuất nông nghiệp, thủy sản có nhiều tiến bộ.
Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ công nghiệp, dịch vụ; các làng nghề truyền thống được duy trì và mở rộng. Thu nhập nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm; công tác an sinh xã hội được quan tâm…
Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao: 100% xã có hệ thống lưới điện quốc gia; các công trình thủy lợi, đê điều được đầu tư nâng cấp đáp ứng được yêu cầu sản xuất, dân sinh và phòng chống lụt bão. 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 100% các trường đạt chuẩn quốc gia; 100% số xã có bưu điện văn hóa; 100% rác thải đã được thu gom, xử lý; 99% dân cư nông thôn sử dụng nước sạch hợp vệ sinh…
PV: Tiêu chí thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo là những tiêu chí khó và rất được quan tâm. Vậy đồng chí có thể nói rõ hơn về quá trình thực hiện 2 tiêu chí này trên địa bàn?
Đ/c Bùi Duy Quang: Xây dựng NTM mục tiêu cuối cùng phải là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân do vậy tăng thu nhập, giảm nghèo là những tiêu chí cốt lõi. Thời gian qua, BCĐ xây dựng NTM huyện đã thực hiện nhiều giải pháp.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Huyện tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất theo hướng tái cơ cấu ngành và thực hiện liên kết trong sản xuất. Trên cơ sở xác định lợi thế của từng vùng, huyện đã đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp và tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh.
Đã hình thành cánh đồng mẫu lớn từ 30-100 ha ở hầu hết các xã; mô hình lúa - cá được mở rộng ở những vùng đất 2 lúa canh tác kém hiệu quả. Toàn huyện triển khai hơn 70 mô hình phát triển sản xuất; các trang trại, gia trại bước đầu có tiến bộ với trên 170 điểm đang hoạt động cho thu nhập ổn định.
Huyện cũng đã hoàn thành, chuyển đổi, sắp xếp, tổ chức lại 27 HTX theo luật định. Đến nay, giá trị sản phẩm trên 1 ha canh tác đạt 86 triệu đồng, tăng 16 triệu đồng so với năm 2010.
Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, phát huy lợi thế từ 2 làng nghề truyền thống nổi tiếng là thêu ren Ninh Hải và đá mỹ nghệ Ninh Vân, huyện đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, dạy nghề, tạo mọi điều kiện tối đa về vốn, về cơ chế chính sách để các tổ chức, cá nhân mở rộng sản xuất, thu hút và chuyển dịch lao động nông nghiệp sang làm nghề.
Toàn huyện có 94 doanh nghiệp và trên 700 hộ gia đình đang trực tiếp sản xuất đá mỹ nghệ, thu hút và tạo việc làm cho trên 9 nghìn lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 4,5-6 triệu đồng/tháng.
Làng nghề thêu ren Ninh Hải có khoảng 13 doanh nghiệp, trên 500 hộ gia đình với gần 3 nghìn lao động làm việc thường xuyên và bán thời gian, thu nhập bình quân 4,5-5 triệu đồng/tháng.
Với thế mạnh là trên địa bàn có các Khu du lịch Tràng An, Tam Cốc - Bích Động và khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư, những năm qua, hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, khách sạn nhà hàng tiếp tục được huyện ưu tiên phát triển nhờ vậy đã thu hút, tạo việc làm cho trên 11 nghìn lao động (tăng gần 5 nghìn người so với năm 2011), thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/người/tháng.
Nhờ những giải pháp đồng bộ, toàn diện nêu trên mà đến nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của Hoa Lư đã đạt xấp xỉ 30 triệu đồng/người/năm, tăng 17,6 triệu đồng/năm so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm mạnh từ 12,35% năm 2010 xuống còn 2,71%.
PV: Để duy trì và phát triển những kết quả đã đạt được, hướng tới huyện NTM mới bền vững, Hoa Lư sẽ tập trung vào những giải pháp nào, thưa đồng chí?
Đ/c Bùi Duy Quang: Hết tháng 7/2016, 100% xã của huyện Hoa Lư đã đạt chuẩn NTM và đang hoàn thành việc lập hồ sơ xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM theo quy định; xây dựng dự thảo báo cáo kết quả thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới và lấy ý kiến MTTQ, các cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn.
Đồng thời đề nghị UBND tỉnh tổ chức thẩm tra và đề nghị Trung ương thẩm định, xét công nhận huyện Hoa Lư đạt chuẩn xây dựng NTM vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, kết quả trên đây mới chỉ là những thành quả bước đầu. Chúng tôi suy nghĩ rằng, NTM không chỉ là con đường mới, cây cầu mới, nhà văn hóa mới, mà còn là sự thông thương hàng hóa, nông sản; là hoạt động văn hóa, học tập, sinh hoạt của cộng đồng dân cư; là chất lượng dạy và học; là môi trường sống an toàn...
Đặc biệt NTM chính là thái độ phục vụ mới, lề lối làm việc mới của cả hệ thống chính trị, tạo dựng sự hài lòng của người dân...
Do đó để xây dựng NTM bền vững đồng thời hướng Hoa Lư thành đô thị đến năm 2030 theo định hướng của tỉnh, Huyện phải thực hiện tốt các quy hoạch và quản lý quy hoạch đã được phê duyệt; rà soát, điều chỉnh một số đồ án quy hoạch xây dựng đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và quy hoạch phát triển đô thị trong tương lai.
Phát triển mạnh dịch vụ, du lịch gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp và các nghề truyền thống, coi phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là mũi nhọn là nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu trong phát triển kinh tế.
Trước mắt, tiếp tục tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân chung tay xây dựng NTM. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ môi trường, chú trọng, tôn tạo, làm đẹp cảnh quan.
Thực hiện tốt các hương ước, quy ước của thôn, của làng, củng cố nếp sống văn minh khu dân cư gắn với xây dựng, hình ảnh con người Hoa Lư thân thiện, thanh lịch. Đẩy mạnh công tác tổ chức đấu giá giá trị quyền sử dụng đất để tạo nguồn xây dựng, duy tu, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt trên địa bàn huyện.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Lựu (Thực hiện)