Đặc điểm của vụ lúa mùa là nằm trọn trong khung thời tiết khí hậu bất lợi, nên tạo điều kiện thuân lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh, phát triển; nhất là bệnh bạc lá đốm sọc vi khuẩn, bệnh lùn sọc đen, rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ, chuột...
Để đạt được kế hoạch và mục tiêu của huyện đề ra, trên cơ sở đặc điểm tình hình của vụ mùa và địa phương, huyện Hoa Lư xác định: Tập trung đẩy nhanh tái cơ cấu trong nông nghiệp, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất; gắn phát triển nông nghiệp với du lịch, dịch vụ; quan tâm mở rộng diện tích lúa chất lượng cao; tiếp tục hỗ trợ mở rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn với quy mô từ 30-100 ha; chú trọng chuyển đổi vùng cấy lúa năng suất thấp sang các cây trồng khác, hoặc cấy lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản.
Về trà lúa và giống lúa sẽ gieo cấy 100% ở trà mùa trung với giống lúa lai có khoảng 200 ha, chiếm 8,17% tổng diện tích bằng các giống Thục Hưng 6, Đại Dương 1; giống lúa thuần có 2.247 ha, chiếm 91,83% tổng diện tích lúa bằng các giống Thiên ưu 8, BC15, LT2, BT7, Đài Thơm 8, nếp hạt cau. Diện tích lúa-cá bố trí ở các xã Ninh Xuân, Ninh Hải, Trường Yên và một số nơi khác có điều kiện và đáp ứng được yêu cầu.
Điểm đáng chú ý trong vụ mùa này của huyện là sản xuất lúa chất lượng cao tiếp tục được mở rộng và dự kiến có tổng diện tích là 1.957 ha, chiếm gần 80% tổng diện tích gieo cấy lúa. Lúa chất lượng cao bao gồm các giống Đài Thơm 8, LT2, BC 15, nếp hạt cau, nếp 97... được gieo cấy đồng giống, đồng trà trong các mô hình cánh đồng mẫu có quy mô từ 30-100 ha với tổng diện tích toàn huyện là 666 ha được triển khai: Ninh Hòa 280 ha, Ninh Giang 110 ha, Ninh Khang 155 ha, Ninh Mỹ 50 ha, Ninh Thắng 70,5 ha.
Riêng đối với giống lúa nếp hạt cau, loại lúa đặc sản đang được xây dựng thương hiệu với nhiều đặc tính ưu việt đã được đưa vào sản xuất trong các vụ mùa gần đây của huyện vẫn được duy trì phát triển ở những vùng đất thích hợp.
Đây là giống lúa cao cây; ít bị nhiễm sâu bệnh, nhất là đối với bệnh bạc lá đốm sọc vi khuẩn (loại bệnh nguy hiểm nhất của lúa mùa); năng suất khá, chất lượng gạo ngon, giá trị cao được nhiều người ưu dùng. Tổng diện tích lúa nếp hạt cau trên toàn huyện có khoảng gần 200 ha được gieo cấy ở: Trường Yên 19,7 ha ( HTX Xuân Sơn 9,7 ha, Thắng Thành 10 ha); Ninh Hòa 86,1 ha (HTX Hồng Phong 16,1 ha; Đại Sơn 70 ha); Ninh Khang 15 ha (Đại Phú); Thiên Tôn 10 ha (Đa Giá); Ninh Mỹ 10 ha (Phong Hòa); Ninh An 15 ha (Đầu Xuân); Ninh Hải 43 ha (Văn Lâm).
Tiếp tục thực hiện các mô hình mới có giá trị kinh tế cao gắn với phục vụ du lịch như: Măng tây ở Ninh Khang, Ninh Mỹ; sen Nhật ở Ninh Hải, Trường Yên, Ninh Xuân... Toàn huyện bắt đầu xuống đồng gieo cấy lúa mùa từ ngày 1/7 và diện tích lúa gieo thẳng sẽ hoàn thành xong trước ngày 10/7; diện tích lúa cấy xong trước ngày 15/7.
Đến thời điểm ngày 2/7, đã làm xong đất đợt 1; bừa cấy được 1.375 ha và gieo cấy được 87 ha. Diện tích lúa đã có chủ yếu là gieo sạ, nằm ở: Ninh Hòa 10 ha, Ninh Khang 10 ha, thị trấn Thiên tôn 15 ha, Ninh Mỹ 40 ha, Ninh An 5 ha và Ninh Vân 7 ha.
Ông Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cũng chia sẻ: Để có được kết quả tốt trong vụ lúa mùa cần chú ý bón đúng, bón đủ, bón cân đối phân và NPK cho từng giống lúa và phù hợp với từng chân đất. Mức bón thích hợp cho 1 sào là: 200-300 kg phân chuồng; 20 kg lân; 6-8 kg đạm; 5-7 kg kali; 15-20 kg vôi bột.
Với lúa cấy bón vôi trước khi làm đất đợt 2, bón lót sâu 100% phân chuồng, 100% lân, 10-20% đạm; bón thúc đẻ nhánh 60-70% đạm và 40% ka li; bón đón đòng lượng ka li còn lại và căn cứ vào tình hình có thể bón nốt lượng đạm còn lại hoặc không bón.
Đối với lúa gieo thẳng bón lót sâu 100% phân chuồng và lân; bón nhử (khi lúa 2-3 lá) 20% đạm và ka li; bón thúc đẻ nhánh (khi lúa 5-6 lá) 60% đạm và 30 % ka li; bón đón đòng 30% lượng ka li còn lại. Các xã, HTX tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến cáo nhân dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nắm chắc tình hình sinh trưởng phát triển của lúa, diễn biến của sâu bệnh trên đồng ruộng và tổ chức phòng chống kịp thời, hiệu quả theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Đinh Chúc