Nâng cao chất lượng các tiêu chí Xã Ninh Vân được công nhận đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2015, xác định đây chỉ là kết quả bước đầu nên ngay sau khi hoàn thành xây dựng NTM, địa phương tiếp tục huy động nguồn lực tập trung xây dựng các thôn kiểu mẫu, nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, cải thiện môi trường, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh....
Ông Võ Mậu Lương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ninh Vân cho biết: Trong phát triển cơ sở hạ tầng, Ninh Vân ưu tiên nâng cấp, sửa chữa, làm mới các tuyến đường trục xã, liên thôn, xóm, đường giao thông, thủy lợi nội đồng, trường học, nhà văn hóa.
Với đặc trưng là xã có nghề truyền thống-sản xuất đá mỹ nghệ, Ninh Vân tạo mọi điều kiện thuận lợi và khuyến khích nhân dân đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý làng nghề, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh gắn với công tác bảo vệ môi trường.
Trong những năm gần đây, nghề chế tác đá mỹ nghệ có sự phát triển mạnh, mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân ở Ninh Vân.
Hiện nay, trên địa bàn xã có 65 doanh nghiệp và hơn 400 tổ hợp tác sản xuất, tạo việc làm cho trên 5.000 lao động, trong đó có trên 3.000 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Địa phương phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác quy hoạch, phát triển cụm làng nghề giai đoạn I, đã thu hút trên 70 hộ vào sản xuất tập trung và đang tiếp tục thực hiện giai đoạn II.
Việc phát triển ngành nghề đã đẩy mạnh phát triển kinh tế của Ninh Vân; năm 2019 tổng giá trị phát triển kinh tế toàn xã ước đạt 439 tỷ 600 triệu đồng, trong đó giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề là 453 tỷ 500 triệu đồng, chiếm trên 90% tổng giá trị sản xuất toàn xã. Thu nhập bình quân đầu người toàn xã năm 2019 ước đạt 45 triệu đồng/người/năm.
Khác với Ninh Vân, xã Trường Yên có thế mạnh phát triển kinh tế chủ yếu từ lĩnh vực du lịch - dịch vụ. Ông Nguyễn Đức Lợi, Chủ tịch UBND xã Trường Yên cho biết: Mỗi năm có hàng nghìn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái Khu di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư nằm trên địa bàn xã; không chỉ đem đến doanh thu trực tiếp cho ngành du lịch mà còn tạo ra cơ hội phát triển các loại hình dịch vụ cho người dân bản địa.
Ước tính doanh thu lĩnh vực du lịch dịch vụ chiếm 80% cơ cấu kinh tế của xã. Đến cuối năm 2018, giá trị sản xuất bình quân đạt 87 triệu đồng/ha/năm, tăng 32 triệu đồng/ha/năm so với năm 2010; thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 40 triệu đồng/năm, tăng 11 triệu đồng so với năm về đích NTM (năm 2015), tăng 32 triệu đồng/người/năm so với năm 2010.
Ngoài tiếp tục duy trì và phát triển các tiêu chí NTM, Trường Yên đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng nếp sống văn minh và môi trường tại các khu, điểm du lịch để tạo sức hút đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Bên cạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của người dân, Trường Yên còn đề ra nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan sinh thái như: Quy hoạch lại các ki ốt bán hàng, xây dựng các biển nội quy quy định vứt rác thải, bố trí lực lượng lao động thường xuyên làm công tác vệ sinh, đảm bảo cảnh quan môi trường tại khu du lịch, quy hoạch điểm bán sản phẩm đặc sản thịt dê, tuyên truyền nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của du khách, trồng hoa 2 bên các tuyến đường...
Bên cạnh việc quan tâm thực hiện tiêu chí môi trường và xây dựng nếp sống văn minh du lịch, Trường Yên còn tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ, phát triển kinh tế nông nghiệp với nhiều mô hình hiệu quả (mô hình lúa - cá, cá- sen, mô hình sản xuất lúa giống, mô hình kinh tế trang trại...) và tiếp tục duy trì, nâng cao các tiêu chí còn lại, phấn đấu đưa chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng đi lên theo hướng bền vững.
Xây dựng NTM kiểu mẫu
Cuối năm 2016 đã đánh dấu bước ngoặt mới cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hoa Lư khi trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh và cũng là huyện NTM đầu tiên của cả nước theo tiêu chí mới. Đây là niềm vinh dự, tự hào to lớn nhưng cũng đặt ra cho Hoa Lư nhiều trách nhiệm để làm sao vừa phát huy tốt thành quả xây dựng NTM, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, vừa tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt.
Ông Bùi Duy Quang, Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư cho biết: Ngay sau khi trở thành huyện NTM, huyện Hoa Lư đã và đang tiếp tục nỗ lực triển khai các giải pháp xây dựng NTM theo hướng văn minh, hiện đại gắn với phát triển đô thị.
Hoa Lư đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm: Đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển du lịch, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với phát triển đô thị theo quy hoạch; an ninh trật tự được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Hoa Lư đã lựa chọn xã Ninh Giang và xã Ninh Mỹ là 2 xã làm điểm của tỉnh, của huyện xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Đến nay, 2 xã đã đạt được 12/14 tiêu chí theo Quyết định số 17/2019/QĐ-UBND ngày 14/5/2019 của UBND tỉnh Ninh Bình.
Từ năm 2018 đến nay, 10/10 xã đã triển khai xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu. Trong đó, toàn huyện tập trung xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu tại 12 thôn làm điểm của tỉnh và 4 khu dân cư NTM làm điểm của huyện. Đến nay, đã có 4 thôn, xóm đạt 9/10 tiêu chí; 4 thôn, xóm đạt 8/10 tiêu chí và 7 thôn, xóm đạt từ 5-7 tiêu chí. Toàn huyện phấn đấu có ít nhất 4 thôn, xóm đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu trong năm 2019.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ và đạt được mục tiêu trên, Hoa Lư tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng và chính quyền từ huyện đến xã, thôn tiếp tục rà soát, đẩy mạnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đầu tư, củng cố nâng cao chất lượng các tiêu chí. Địa phương cũng chú trọng thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đã được phê duyệt; rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy hoạch đảm bảo phù hợp, đồng bộ với quy hoạch phát triển đô thị, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Tràng An.
Đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp và các nghề truyền thống, coi đây là mũi nhọn, là nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu trong phát triển kinh tế. Huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và xây dựng 2 cụm công nghiệp làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân (30,64 ha) và thêu ren Ninh Hải (5-10ha) trong giai đoạn 2017-2020 để phát triển nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch làng nghề.
Đồng thời, tập trung huy động mọi nguồn lực, quyết tâm xây dựng Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động trở thành điểm sáng về an toàn, an ninh trật tự với kết cấu hạ tầng hiện đại.
Về sản xuất nông nghiệp, Hoa Lư tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp hàng hóa và sản xuất công nghệ cao trên cơ sở liên kết với các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất tiêu thụ và chế biến nông sản.
Trong đó trọng tâm là hỗ trợ xây dựng các khu sản xuất nông nghiệp sinh thái ở các xã Ninh Xuân, Ninh Hải, Trường Yên; tổ chức quy hoạch xây dựng một số khu nông nghiệp công nghệ cao ở các xã ven đô Ninh Hòa, Ninh An, Ninh Mỹ, Ninh Thắng; đẩy mạnh chuyển đổi đất lúa canh tác kém hiệu quả sang sản xuất lúa - cá và nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch với con nuôi có giá trị kinh tế cao (cá trắm đen, cá rô Tổng Trường, cá Tràu tiến vua; cá quả đồng, ba ba...) ở các xã có điều kiện như Trường Yên, Ninh Xuân, Ninh Hải, Ninh Thắng.
Địa phương tiếp tục phát triển các mô hình kinh tế gia trại, trang trại tổng hợp: Trồng trọt - chăn nuôi - nuôi trồng thủy sản với cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, đáp ứng thị trường du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm (câu cá, làm vườn, nghỉ dưỡng…) và nhu cầu sinh hoạt đô thị ở các xã.
Đinh Chúc