Đồng chí Đặng Thị Hằng, Trạm Khuyến nông huyện cho biết: Trong vụ đông xuân 2014, do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại trong tháng 2, nên những diện tích lúa gieo thẳng trên địa bàn không giữ được nước, một số diện tích lúa bị chết hoặc lúa sinh trưởng, phát triển chậm; sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn gây hại tăng…
Tuy nhiên, nhờ sự chăm sóc và phòng trừ kịp thời nên lúa gieo thẳng vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, đẻ nhánh sớm, số dảnh hữu hiệu cao và số bông/m2… cao hơn so với lúa cấy ở điều kiện cùng vùng, cùng giống, cùng điều kiện chăm sóc, bảo vệ. Năng suất lúa gieo thẳng toàn huyện ước đạt cao hơn lúa cấy từ 5-10%.
Qua đánh giá, năng suất lúa gieo thẳng tại HTX Ninh Thắng cho thấy: Giống Nhị Ưu 838 ước đạt 77,96 tạ/ha (tương đương 280,7 kg/sào), giống ải 32 ước đạt 72,04 tạ/ha (259,3 kg/sào), giống Hương Thơm số 1 ước đạt 65,34 tạ/ha (235,2 kg/sào). Lúa gieo thẳng chi phí công làm đất, công gieo, công chăm sóc, thuốc trừ cỏ thấp hơn so với lúa cấy khoảng 105.000 đồng/sào và lợi nhuận của lúa gieo thẳng cao hơn lúa cấy là 196.000 đồng/sào.
Ông Nguyễn Thế Phong, Chủ nhiệm HTX Ninh Thắng, xã Ninh Thắng cho biết: Từ vụ đông xuân 2012, nhờ sự giúp đỡ của Trạm Khuyến nông huyện, HTX đã triển khai mô hình lúa gieo thẳng tại khu đồng của đội sản xuất số 4. Kết quả cho thấy, lúa gieo thẳng không chỉ cho năng suất cao hơn lúa cấy mà còn giảm được ngày công lao động (không phải gieo mạ và cấy); một số chi phí khác (vật tư, phân bón…) cũng giảm. Mặt khác, biện pháp gieo thẳng còn giải quyết được vấn đề nhân lực lao động thiếu hụt mỗi khi bước vào lúc thời vụ cao điểm. Từ mô hình thực hiện ở đội sản xuất số 4, HTX tổ chức cho các đội, tổ, người dân tham quan và khuyến cáo làm theo.
Từ thực tiễn cho thấy, khi thực hiện biện pháp gieo thẳng lúa phải bố trí ở những khu ruộng bằng phẳng, hệ thống kênh mương hoàn chỉnh, thuận lợi cho tưới và tiêu. Vụ đông xuân 2013-2014, HTX gieo cấy hơn 230 ha lúa, trong đó có 127 ha thực hiện bằng biện pháp gieo thẳng, chiếm hơn 54% tổng diện tích lúa và chiếm 52% tổng diện tích lúa gieo thẳng của cả huyện trong vụ. Trong vụ mùa năm 2014, HTX dự kiến thực hiện 70 ha bằng biện pháp gieo thẳng, trong tổng số gần 233 ha của cả vụ.
Được biết, vụ mùa năm 2014, huyện Hoa Lư dự kiến áp dụng biện pháp gieo thẳng gần 160 ha, trong đó tập trung ở các xã: Ninh Thắng, Ninh Khang, Ninh Giang, Ninh Mỹ… Để mở rộng diện tích lúa gieo thẳng, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền trong huyện có sự quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích và hiệu quả của biện pháp gieo thẳng lúa; các HTX chủ động xây dựng kế hoạch, quy hoạch gọn vùng, cùng giống, cùng trà thuận lợi cho việc tưới tiêu, phòng trừ sâu bệnh.
Vùng thực hiện gieo thẳng bố trí ở nơi có hệ thống kênh mương tương đối hoàn chỉnh: tưới kịp thời, tiêu nhanh chóng; đồng ruộng tương đối bằng phẳng; nhất thiết phải phun thuốc trừ cỏ và thực hiện đúng lúc, đúng kỹ thuật; thực hiện tốt công tác BVTV, nhất là đối với các đối tượng gây hại: chuột, chim, ốc bươu vàng. Các HTX khi thực hiện biện pháp gieo thẳng nên thành lập các tổ dịch vụ làm chung các khâu: đất, ngâm ủ giống, gieo hạt, phun thuốc trừ cỏ, đánh chuột, điều tiết nước…
Hiện nay, diện tích lúa gieo thẳng của huyện Hoa Lư còn rất khiêm tốn, nhưng kết quả của mô hình lúa gieo thẳng của huyện là thể nghiệm của một biện pháp canh tác có nhiều tính ưu việt cần tiếp tục được mở rộng trên con đường đưa nông nghiệp đến sản xuất lớn, sản xuất có giá trị và hiệu quả cao.
Đinh Chúc-Trường Giang