Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015 và triển khai Nghị quyết 76/2014/QH của Quốc hội về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2016-2020 và tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác giảm nghèo, UBND huyện Hoa Lư đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo từng giai đoạn, trong đó phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trung bình hàng năm từ 2-3%. Đồng thời, huyện Hoa Lư đã xây dựng kế hoạch về đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm giúp người lao động có kiến thức, kỹ năng, tay nghề đáp ứng yêu cầu ngày càng phát triển của xã hội, từ đó người dân có nhiều cơ hội để tìm việc làm, tạo thu nhập, ổn định cuộc sống của bản thân và gia đình, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, chuyển dịch cơ cấu lao động, hạn chế sự gia tăng của tai, tệ nạn xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, an toàn xã hội của địa phương. Để các nội dung của chương trình giảm nghèo được tuyên truyền, phổ biến rộng khắp đến các tầng lớp nhân dân, nhất là hộ nghèo, công tác giảm nghèo luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, xác định đây là nhiệm vụ chính trị của cả hệ thống chính trị. Huyện ủy đã chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội từ huyện đến xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức giúp nhân dân hiểu được mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giảm nghèo. Tuyên truyền các chế độ, chính sách đối với người nghèo thông qua hệ thống đài truyền thanh. Mặt trận Tổ quốc đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã phát động phong trào xây dựng quỹ "Vì người nghèo" để hỗ trợ những hộ nghèo có khó khăn đột xuất, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt, đẩy mạnh công tác vay vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm... Trong 2 năm, toàn huyện có 11 hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở với kinh phí hỗ trợ là 461.000.000 đồng. Năm 2012, Tập đoàn Vingroup đã hỗ trợ 179 con bê giống cho hộ nghèo, số bê giống được hỗ trợ đến nay phát triển tốt, đang trong thời gian sinh trưởng, tiếp tục nhân rộng trong những năm tiếp theo. Trên cơ sở Nghị quyết 76/QH của Quốc hội, các chính sách giảm nghèo tiếp tục được huyện quan tâm bố trí kinh phí thực hiện như: Chính sách hỗ trợ giáo dục - đào tạo; xuất khẩu lao động, hỗ trợ nhà ở; chính sách hỗ trợ mua thẻ BHYT; chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chính sách cho vay tín dụng ưu đãi; chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường, sản xuất; chính sách hỗ trợ tiền điện, giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ lương thực cho hộ nghèo trong dịp Tết và giáp hạt... Trong thực hiện chính sách vay vốn ưu đãi đối với hộ nghèo, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện luôn tạo điều kiện thuận lợi và ưu tiên cho những hộ nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu được vay vốn theo chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo theo đúng quy định của Nhà nước. Trong 2 năm (2014-2015) chương trình tín dụng ưu đãi đã cho 1.405 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn với tổng số tiền vay là 40.597 triệu đồng; tín dụng học sinh, sinh viên có 1.385 hộ vay với 3.680 triệu đồng; cho vay xuất khẩu lao động đối với 35 hộ, tổng số tiền được vay là 1.025 triệu đồng; chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường đối với 1.500 hộ, tổng số tiền được vay là 117.066 triệu đồng; cho vay hỗ trợ nhà ở cho 149 hộ, với số tiền cho vay là 1.192 triệu đồng.
Thực hiện chính sách đối với công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, 2 năm qua toàn huyện đã tổ chức được 17 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 620 lao động nông thôn trên địa bàn huyện. Trong đó, lao động thuộc hộ nghèo ngoài việc được đào tạo nghề không phải đóng học phí, còn được hỗ trợ tiền ăn theo quy định là 15.000 đồng/người/ngày thực học với các nghề: May công nghiệp, khâu chăn bông, chạm khắc đá mỹ nghệ, đan cói, kỹ năng hướng dẫn du lịch... Mỗi năm, huyện đã tạo việc làm cho trên 2.500 lao động với mức thu nhập bình quân từ 1,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, hộ nghèo giúp cho người lao động có nhiều cơ hội để tìm được việc làm phù hợp với khả năng, nhu cầu của bản thân, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống của bản thân và gia đình.
Cùng với việc thực hiện trợ giúp người nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế, tìm kiếm việc làm, việc thực hiện các chính sách xã hội cũng được quan tâm thực hiện chu đáo. Các chính sách về bảo hiểm y tế, về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên, miễn giảm các khoản thuế theo quy định và chính sách hỗ trợ giá điện cho hộ nghèo được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Trong 2 năm, có 6.237 người nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Từ năm 2014-2015, UBND huyện đã thực hiện hỗ trợ miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho 1.310 học sinh thuộc hộ nghèo, trẻ em là học sinh mồ côi, khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ tiền ăn trưa cho học sinh mẫu giáo với tổng kinh phí là 694.760.000 đồng. Từ năm 2014 đến nay, toàn huyện đã hỗ trợ tiền điện cho 1.694 hộ nghèo, hộ chính sách xã hội với tổng số tiền là 937.296.000 đồng. Đồng thời với việc triển khai thực hiện các chính sách về giảm nghèo bền vững, Ban chỉ đạo huyện còn phân công từng thành viên phụ trách các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người nghèo để kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm.
Việc thực hiện hiệu quả các chính sách đã giúp hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn huyện Hoa Lư có vốn sản xuất, có việc làm tăng thu nhập, đảm bảo các nhu cầu về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường, tiếp cận với thông tin của nhân dân và hộ nghèo. Bình quân thu nhập đầu người toàn huyện tăng từ 19,8 triệu đồng/người năm 2010 đến năm 2015 là 25,7 triệu đồng/người. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 12,7% (năm 2011) xuống còn dưới 3% (năm 2015). Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 5,64% theo tiêu chí nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020.
Nguyễn Thị Phương