Khi nắm bắt được thông tin có sự bất hòa từ các hộ dân hay có kiến nghị của nhân dân trong cuộc sống, các thành viên Tổ hòa giải xóm Vinh Viên, xã Ninh Mỹ lại bàn bạc tìm các giải pháp nhằm tháo gỡ những mâu thuẫn, bất hòa xảy ra trên địa bàn. Đồng chí Nguyễn Văn Tài, Trưởng xóm Vinh Viên cho biết: Xóm có gần 200 hộ dân, với 565 khẩu. Mỗi năm, xóm có khoảng 10 vụ mâu thuẫn phát sinh trong đời sống, chủ yếu mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu, xích mích về kinh tế, xích mích do rượu… Kinh nghiệm cho thấy để hòa giải thành công, thành viên trong tổ hòa giải xóm phải thực hiện tốt công tác "dân vận khéo", phải gần dân, sát dân. Khi có mâu thuẫn trong dân cư, Tổ hòa giải xóm tổ chức họp, xem xét phạm vi vụ việc, bàn giải pháp giải quyết phù hợp, nếu ngoài phạm vi thẩm quyền xóm, Tổ hòa giải mời các cấp và xã tham gia giải quyết dứt điểm các vụ việc, tạo ổn định dư luận. Hàng năm, các vụ việc mâu thuẫn, xích mích trong cộng đồng dân cư luôn được Tổ hòa giải giải quyết đạt 80-90%, tạo sự gắn kết tình làng nghĩa xóm. Xóm Vinh Viên 6 năm qua được công nhận xóm văn hóa.
Đồng chí Phạm Ngọc Hinh, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Mỹ cho biết: Xã Ninh Mỹ có 9 Tổ hòa giải thuộc 9 xóm. Thời gian qua, thông qua công tác dân vận kết hợp với công tác hòa giải cơ sở, các Tổ hòa giải đã hòa giải thành công trên 90% vụ việc ngay tại cơ sở; còn một số vụ việc liên quan đến đất đai, Ban hòa giải xã cùng các thành viên Ban dân vận xã xây dựng phương án giải quyết phù hợp, tránh vụ việc kéo dài, vượt cấp. Sự kết hợp giữa công tác dân vận trong hòa giải trên địa bàn xã đã góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, không phát sinh đơn thư vượt cấp. Năm 2015, xã Ninh Mỹ được công nhận xã nông thôn mới, phấn đấu hoàn thành xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2020.
Huyện Hoa Lư hiện có 97 tổ hòa giải, với 639 thành viên. Những năm qua hoạt động hòa giải cơ sở đã và đang từng bước nâng cao về chất lượng, hoạt động ngày càng đi vào nền nếp, có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Để thực hiện mục tiêu hòa giải các tranh chấp, giữ gìn, bảo vệ mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư, công tác hòa giải được vận dụng theo phương pháp, hình thức của công tác dân vận, vận động quần chúng nhân dân với phương châm "Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công", huyện quan tâm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác hòa giải. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; sự phối hợp của các cơ quan có liên quan trong chỉ đạo, hướng dẫn đối với công tác hòa giải. Thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ công chức tư pháp, hòa giải viên, đẩy mạnh tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, nghiệp vụ hòa giải, cung cấp tài liệu cho hòa giải viên; tăng cường theo dõi, kiểm tra việc củng cố, kiện toàn về tổ chức và hoạt động hòa giải. Tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho hòa giải viên.
Cùng với đó, MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội, ngành Tư pháp, chính quyền từ huyện đến các xã, thị trấn đã triển khai, thực hiện tốt Luật Hòa giải ở cơ sở, cùng với các cơ chế hòa giải, đối thoại được quy định trong Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Đất đai, Luật Khiếu nại... Từ đó, hoạt động hòa giải trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả, giải quyết kịp thời, tận gốc các mâu thuẫn, tranh chấp, trong đó phổ biến là các phát sinh về tranh chấp đất đai trong nhân dân, các vụ án dân sự…, góp phần hàn gắn những xích mích, tăng cường sự hiểu biết, tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết, không phát sinh các vụ việc khiếu kiện phức tạp, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong 5 năm qua, các tổ hòa giải trên địa bàn huyện đã tiến hành thụ lý 356 vụ việc, tổ chức hòa giải thành công 320 trường hợp, đạt tỷ lệ 89%.
Bài, ảnh: Tiến Minh