Đến hết quý I năm 2011, 10/10 xã của huyện Hoa Lư đã hoàn thành công tác khảo sát đánh giá thực trạng nông thôn. Huyện đã lựa chọn 3 xã: Ninh An, Ninh Vân, Ninh Giang để lãnh đạo, chỉ đạo làm trước. Năm 2012, huyện đã đề nghị UBND tỉnh bổ sung thêm xã Ninh Hải làm trước trong xây dựng NTM.
Sau hơn 2 năm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai xây dựng, diện mạo nông thôn ở Hoa Lư đã đổi thay rõ nét, so với Bộ tiêu chí của Trung ương, Hoa Lư đã đạt được những mục tiêu cơ bản. Trong đó, 2 xã đạt 10 tiêu chí là Ninh Vân và Ninh Mỹ; 2 xã đạt 9 tiêu chí là Trường Yên và Ninh Hải; 5 xã đạt 8 tiêu chí là Ninh Giang, Ninh Khang, Ninh Thắng, Ninh An, Ninh Xuân và 1 xã đạt 7 tiêu chí là Ninh Hòa. Các tiêu chí: An ninh trật tự; hệ thống tổ chức chính trị; hình thức tổ chức sản xuất; điện; văn hóa; bưu điện có 10/10 xã đạt được; 7/10 hoàn thành tiêu chí về giáo dục. Các tiêu chí: Quy hoạch, nhà ở dân cư, cơ sở vật chất văn hóa, thủy lợi, trường học... cơ bản đạt được, nhất là ở 4 xã được chọn làm trước.
Bên cạnh đó, một số tiêu chí hầu hết các xã chưa đạt được là: Tỷ lệ hộ nghèo, môi trường, giao thông, thủy lợi, chuyển dịch cơ cấu lao động về công tác lập quy hoạch và đề án xây dựng NTM, đến nay 10 xã đã hoàn thành quy hoạch chung, 3 xã Ninh An, Ninh Giang và Ninh Vân đã lập quy hoạch phát triển sản xuất và đang triển khai thẩm định phê duyệt. Thời gian tới, các xã triển khai lập quy hoạch chi tiết về phát triển sản xuất, khu dân cư nông thôn, trung tâm cụm xã... Đến ngày 25-5-2012, các xã trong huyện đã hoàn thành việc phê duyệt đề án xây dựng NTM, trong đó các xã được chọn làm trước đã hoàn thành vào cuối tháng 11 năm 2011.
Xác định rõ xây dựng cơ sở hạ tầng là khâu đột phá, quan trọng trong xây dựng NTM, các cấp, các ngành trong huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động và tổ chức lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn vào đầu tư xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo diện mạo mới cho các vùng thôn quê.
Do làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền nên nhận thức và ý thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ thể, cách thức xây dựng NTM được nâng cao. Nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân hưởng ứng tích cực, tự nguyện, tự giác đi đầu trong việc góp công, góp của, hiến đất, phá dỡ tường rào, các công trình phụ để làm đường giao thông; đồng thời hăng hái vận động con em mình đang làm ăn ở xã quê, thành đạt; Các doanh nghiệp đóng trên địa bàn đóng góp nguồn lực chung sức xây dựng NTM.
Đến nay toàn huyện đã đầu tư, nâng cấp, xây mới trên 120 công trình với tổng kinh phí khoảng 316.302 triệu đồng, trong đó: Cải tạo, nâng cấp, mở rộng 7 tuyến đường trục xã dài 14,1 km; 30,23 km đường ngõ xóm; 1,87 km đường nội đồng. Xây mới 1 trạm bơm công suất 7.200 m3/h, kiên cố hóa 25 km kênh mương... Xây mới 2 nhà văn hóa xã, xây mới và nâng cấp 15 nhà văn hóa thôn, xóm. Xây mới, sửa chữa, nâng cấp 5 trường mầm non; sửa chữa, nâng cấp và xây 10 nhà hiệu bộ trường tiểu học và trường THCS. Mở rộng, xây mới 2 chợ. Xây mới, nâng cấp, cải tạo 5 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn... Nâng cấp mở rộng 2 nghĩa trang liệt sỹ và 2 nghĩa trang nhân dân. Mua trang thiết bị thu gom rác thải cho 3 xã. Xây mới 1 trụ sở HTX, sửa chữa 1 trụ sở UBND xã. Nâng cấp và mua trang thiết bị cho 2 trạm y tế xã...
Với quan điểm phát triển sản xuất để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình xây dựng NTM, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực để tổ chức phát triển sản xuất toàn diện tích cực trên các lĩnh vực: Nông nghiệp, thủy sản; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; thương mại, du lịch và dịch vụ phù hợp và phát huy lợi thế của từng địa phương.
Về nông nghiệp, các địa phương trong huyện đã tập trung đẩy mạnh sản xuất cả 3 vụ trong năm, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và nâng cao trình độ thâm canh. Huyện đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện tốt các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp như: Hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân mua máy làm đất, máy gặt; hỗ trợ một phần giống, vật tư sản xuất lúa chất lượng cao; hỗ trợ giống cây vụ đông, giống bò, dê...
Do vậy, diện tích lúa chất lượng cao trên địa bàn huyện ngày một tăng, năm 2012 đạt 2.500 ha với sản lượng khoảng 13.825 tấn, gấp 2 lần so với kế hoạch. Chăn nuôi gia súc, gia cầm được duy trì, ổn định; nuôi thủy sản phát triển mạnh, xuất hiện nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao. Về công nghiệp, huyện chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp, trong đó nghề chế tác đá mỹ nghệ ở Ninh Vân, thêu ở Ninh Hải được đẩy mạnh. Toàn huyện hiện có trên 80 doanh nghiệp vừa và nhỏ, trên 500 hộ cá thể và tổ hợp tác hoạt động ở lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm cho gần 3.000 lao động. Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển.
Tuy nhiên, một số tiêu chí quan trọng về phát triển sản xuất, thu nhập, cơ cấu lao động, tỷ lệ hộ nghèo... nhiều các xã chưa đạt được; mối liên kết 4 nhà trong sản xuất còn thiếu chặt chẽ; Tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số nơi chưa được khắc phục... Đây là những vấn đề trọng tâm mà huyện Hoa Lư cần tập trung giải quyết trong những năm tới để đạt các tiêu chí trong xây dựng NTM.
Đinh Chúc